7/02/2013

Truyện các bề tôi trích trong Đại Nam liệt truyện thời Nguyễn



1. NGUYỄN ĐĂNG ĐỆ

Tiên tổ người huyện Thiên Lộc, thuộc Nghệ An, nguyên là họ Trịnh. Ông tổ xa đời là Trịnh Cam, làm quan nhà Lê, đến Binh bộ thượng thư. Đến lúc nhà Mạc cướp ngôi vua nhà Lê, Cam bèn tránh vào ở Thuận Hóa, muốn chiêu tập những người trung nghĩa, để mưu đồ khôi phục nhà Lê, nhưng chưa làm được việc đã chết. Về sau, con cháu bèn nhập tịch ở xã An Hòa (thuộc huyện Hương Trà) chiếm khoa mục rất nhiều. Ngạn ngữ có câu: “Học Đồng Di (xã Đồng Di thuộc huyện Phú Vang) thi An Hòa”. Đăng Đệ, cháu bảy đời Trịnh Cam là người ôn nhã, trung chính, văn học sâu rộng. 

Năm Đăng Đệ còn nhỏ, có thầy tướng trông thấy, bảo rằng: ‘‘ Khiếu mắt có tàng thần, là quý cách đấy, chỉ tiếc tai thấp, không đỗ cao được”. Năm Tân Tỵ (1710) thi đỗ sinh đồ. Đời Hiển tông hoàng đế, bổ làm huấn đạo, rồi thăng tri huyện Minh Linh, làm chính sự có thành tích lên đến tai chúa, được cất nhắc vào việc Văn chức. Đăng Đệ tấu đối tường tận, rõ ràng, bàn bạc rộng rãi đầy đủ. Chúa lấy làm lạ và yêu lắm, cho họ là họ Nguyễn. Năm Nhâm Thìn (1712) mùa hạ, thăng ký lục ở doanh Quảng Nam. Khi làm quan Đăng Đệ làm cho kiện cáo được bớt đi, phong tục được khuyến khích, dân đều yêu mến. Năm Ất Mùi (1715) mùa thu, thăng chánh doanh đô tri. Năm Đinh Dậu (1717), mùa xuân, chúa cho rằng Đăng Đệ trước ở Quảng Nam, làm việc thanh liêm, công bình, việc kiện cáo do đấy im lặng, vốn được nha lại và dân chúng tín phục, bèn cho lại đi lĩnh chức Ký lục Quảng Nam, chúa viết câu đối ban cho.
“Lập pháp tinh hình, cánh kiến ngã triều sinh Cấp Ảm.
Sử dân vô tụng, phương tri ngô quốc hữu Hoài Nam”.
Nghĩa là:
Lập luật pháp, bớt hình phạt lại thấy triều ta có Cấp Ảm.
Làm cho dân không kiện cáo, mới biết nước ta có Hoài Nam.
Năm Giáp Thìn (1724), thăng chính doanh ký lục, Đăng Đệ xin cấm các hạng tiền bằng gang, kẽm, chì và sắt không được dùng để mua bán. Tiền đồng mẻ gãy không được chọn chê. Chúa nghe theo.
Túc tông năm đầu (1725), Đăng Đệ vâng mệnh đi tuần kiểm các phủ thuộc Quảng Nam, định rõ thể lệ quan chức của các thuộc mới lập. Thuộc nào từ 500 nười trở lên đặt cai thuộc, ký thuộc, đều một người, thuộc nào từ 450 người, đặt một ký thuộc. Thuộc nào từ 100 người trở xuống, đặt một tướng thần. Duy các thuộc Hoa Châu, Phú Châu, hộ làm liềm, nhà đan lưới và nhà bè, đặt một đề lĩnh.
Đăng Đệ lại xin cấm dân đánh bạc, kiện gian, trốn tránh sai dịch và ẩn lậu đinh khẩu. Chúa đều cho làm. Sau đó, Đăng Đệ bị ốm, nghỉ việc. Năm Đinh Mùi (1727) mùa đông, ông mất, thọ 59 tuổi. Được tặng phong Kim tử vinh lộc đại phu, cho nhiều tiền, lụa để mai táng. Con là Đăng CẩnCư Trinh đều có truyện riêng.


2. NGUYỄN ĐĂNG THỊNH

Tự là Hương, hiệu là Truyết Trai. Cha là Đăng Trị là anh Đăng Đệ, trước khi đỗ hương tiến. Làm quan đến văn chức kiêm giám trạng, được truy tặng triều nghị đại phu. Đăng Thịnh lúc trẻ thông minh, nhanh nhẹn, nhớ dai, học rộng, giỏi văn. Năm 14 tuổi, trúng tuyển, được bổ lễ sinh, từ chối không nhận. Hiển tông hoàng đế năm thứ 30, khoa Tân Sửu (1721), đỗ hương tiến, sơ bổ làm tri huyện Hương Trà, rồi cất nhắc làm ở văn chức viện. Ông nổi tiếng về văn chương. Phàm các lệnh đời ấy đều ra từ tay ông. Túc tông năm đầu (1725) Thế tông còn ở thanh cung, Đăng Thịnh làm thị giảng. Năm Canh Tuất (1730), mùa đông, thăng đô tri. Năm Tân Hợi (1731), mùa đông, ra làm cai bạ Quảng Nam. Năm Ất Mão (1735), mùa đông, về thăng nha úy. Năm Giáp Tý (1744) mùa hạ, Thế tông mới lên ngôi chúa. Bài biểu quần thần khuyến tiến có câu rằng: “Chính danh phận ư nhất quốc, duy tân chi thủy; Hưng lễ nhạc ư bách niên, tích đức chi dư” (Chính thân phận ở một nước, lúc bắt đầu duy tân; Đấy lễ nhạc ở trăm năm, sao bao lâu tích đức). Lại có câu rằng: “Dĩ thất thập lý chi cương vũ, tự khai huyền điểu chi cơ; thẩn tam thiên lý chí dư đồ, thương tiễn hoàn khuê chi vị” (Nhà Thương với bảy mươi dặm đất đai, còn mở cơ đồ huyền điểu; chúa ta có ba nghìn dặm đất nước, nên chính danh vị hoàn khuê) đều là lời văn của Đăng Thịnh. Sau đó vì có công đầu làm Kim sách tấn tôn, Đăng Thịnh được trao Lễ bộ kiêm Lại bộ. Phàm những chế độ mới đặt như triều nghi, phục sắc, bàn lễ khảo văn, phần nhiều do Đăng Trịnh tán định. Năm Ất Hợi (1755), mùa hạ, ông mất tại chức, thọ 62 tuổi, tặng chính trị thượng khanh tham nghị, cho nhiều tiền lụa để táng.
Sau khi Đăng Thịnh chết, chúa sai người đến nhà thu lượm sao chép bản thảo văn chương. Chúa xem bao giờ cũng cảm thán khen ngợi Đăng Thịnh giỏi thơ văn, trước tác có: Hiệu tần thi tập, Chuyết trai văn tập, Chuyết trai vinh sử tập lưu hành ở đời. Đăng Thịnh có 2 trai: con trưởng là Đăng Giám, làm quan đến Trấn Biên doanh cai bạ, tặng phong tư trị thiếu khanh, con thứ là Đăng Vinh, làm quan đến Hàn lâm trực giảng, truy tặng Quang lộc tự khanh.


3. NGUYỄN CƯ TRINH

Tự Nghi, hiệu Đạm Am là con út Đăng Đệ. Thông minh sớm hơn người. Năm 11 tuổi, Trinh hay văn, giỏi thơ, văn chương dồi dào có phép tắc, nổi tiếng ngang với anh họ là Đăng Thịnh. Ông đỗ hương cống (tức cử nhân) khoa Canh Thân (1740), làm tri phủ Triệu Phong, rồi thăng văn chức, gặp việc dám nói, có phong cách người bề tôi biết can ngăn. Năm Giáp Tý (1744), mùa hạ. Thế tông đã lên ngôi chúa, điển chương pháp độ điều do Đăng Thịnh kiến lập rõ ràng, còn từ lệnh thì ra tay từ Cư Trinh.
Trinh là người khảng khái, có mưu lược, liệu sự biết phán đoán thường hợp cơ nghỉ.
Năm Canh Ngọ (1750), mùa xuân, thăng tuần phủ Quảng Ngãi. Quảng Ngãi có Man Thạch Bích thường quấy ngoài hiên, quan quân đánh mãi không xong. Trinh đến, viết thư phủ dụ, chúng cũng không ra. Ông bàn tiến đánh, nhiều người cho rằng hiểm trở xa khơi và sơn lâm chướng khí ngăn trở. Trinh bèn viết truyện Sãi vãi bằng quốc âm đặt làm lời vấn đáp để khuyên bảo. Rồi tiến quân, giặc Man lẩn trốn, tan tác. Trinh sợ ta đem quân về, chúng lại tụ họp, bèn chiếm đóng chỗ sào huyệt địch lập trại lũy, lập đồn điền, đặt điếm canh, giả vờ làm kế ở lâu. Giặc Man sợ, đến cửa quân xin hàng. Trinh vỗ về, yên ủi, cho chúng về, rồi kéo quân rút lui.
Tin thắng trận đến tai chúa, chúa ban khen. Năm Tân Mùi (1751), mùa đông, Trinh dâng thư trình bày tình trạng đau khổ của dân gian: “Dân là gốc nước, gốc không bền thì nước chẳng yên: Ngày bình thường không lấy ân kết dân, thì lúc có việc trông cậy nương tựa vào đau? Tôi trộm lo: Dân gian chất chứa tệ hại đã nhiều nếu cứ để yên nếp thường, giữ lối cũ, không tùy nghi thêm bớt, thiết lập kỷ cương thì một đạo còn không thể làm được nữa là một nước. Nay có ba việc hại dân là cấp lương lính, nuôi voi, và nộp tiền án. Còn các nhũng lệ khác không thể đếm xiết!”. Nhân đó Trinh điều trần 4 điều tệ hại đã lâu.
1. Các viên phủ huyện có chức vụ cai trị dân gần đây không đôn đốc làm việc ấy, chỉ sai khám xét kiện cáo. Xin từ nay, các thuế lệ như sai dư điền tô, nhất thiết giao cho tri huyện thu biên, giao lên doanh Quảng Nam để nộp cho đỡ phiền nhiễu.
2. Các viên phủ huyện từ trước đến giờ thường kiếm lợi ở những việc sai bắt tra xét (những người cam phạm) để lấy bổng lộc tiền tài, của dân càng hao, phong tục trong dân càng bạc! Nay xin liệu cấp cho lương thường xuyên, thăng giáng tùy theo từng viên chức thanh liêm hay tham ô, siêng năng hay lười biếng.
3. Lậu đinh có 2 thứ: có kẻ trốn tránh sưu thuế mà lông bông, có kẻ đói rét thân mà xiêu tán. Nay không chia đẳng hạng, nhất thiết liệt vào sổ đinh, bắt đóng thuế thân, họ tất sợ hãi tản mát, lén lút ở núi rừng, dân xã lại phải gánh đậy bồi thường, thì sao chịu nổi! Nay xin xét số lậu đinh, ai còn có nghề làm ăn thì thu thuế như lệ, ai đói rét khốn khó thì cho miễn thuế, tùy cách vỗ về để hạng cùng dân được sống lại.
4. Nên để cho dân yên tĩnh, không nên làm động, động thì dễ loạn, tĩnh thì dễ trị. Nay bắt dân săn bắn ở núi rừng, kiếm gà, lùng ngựa, không thể tất đức ý (triều đình) quấy rối nhân dân địa phương. Lũ giả mạo đi đến đâu làm nôn nao đến đó, người đến cáo than! Xin: Từ nay hễ sai người đi làm việc phải có giấy tờ đóng dấu, trình quan địa phương xét nghiệm. Kẻ nào nhiễu dân thì bắt trị tội, may ra lòng dân yên tĩnh, khỏi dao động.
Sớ này dâng lên chúa không trả lời. Trinh cố từ chức. Chúa bèn triệu về rồi đổi làm ký lục doanh Bố Chính. Trinh đến trị sở rồi đặt thêm đồn lũy, nghiêm việc phòng thủ. Chúa Trịnh đưa thư xin mượn đường đi Trấn Ninh đánh Lê Duy Mật. Trinh viết thư từ chối. Họ Trịnh biết ta đã phòng bị, bèn thôi.
Năm Quý Dậu (1753) mùa Đông. Nặc Nguyên nước Chân lạp xâm lấn Côn Man. Chúa muốn đánh nước Chân Lạp, bèn sai cai đội Thiện Chính (không nhớ họ) làm thống suất, Trinh làm tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm doanh đi đánh Chân Lạp tiến đánh Bến Nghé, thiết lập doanh trại lựa chọn sĩ tốt, làm nhiều kho tàng để làm kế khai thác...
Năm Giáp Tuất (1754), mùa hạ, Trinh cùng Thiện Chính chia đường mà tiến, Trinh đi đến đâu, giặc đều lướt dạt đến đó; qua Tân Lộ ra Đại Giang, cùng quân Thiện Chính hội ở đồn Lô Yêm. Bấy giờ 4 phủ là Soi Rạp (Lôi Lạp), Tâm Bôn, Câu Nam và Nam Vang đều hàng. Ta bèn chiếm phủ Côn Man để làm thanh thế.
Năm Ất Hợi (1755), mùa xuân, thống suất Thiện Chính về đồn Mỹ Tho, Dân Côn Man đi theo, đến đất Vô Tà Ân, bị Chân Lạp đánh úp. Thiện Chính vì tràm rừng ngăn trở không đi cứu được. Trinh đem quân tùy tùng đến cứu hơn 5.000 đàn ông đàn bà Côn Man hộ tống về đóng ở chân núi Bà Đanh. Trinh nhân đó hặc tâu Thiện Chính làm mất cơ ngôi, bỏ dân chúng mới quy phục. Chúa bèn giáng Thiện Chính xuống làm cai đội, và cho Trương Phúc Du lên thay, Trinh cùng Phúc Du dùng người Côn Man làm hướng đạo đi đánh Câu Nam, Nam Vang. Nặc Nguyên chạy sang Hà Tiên, xin dâng đất 2 phủ Tâm Bôn và Soi Rạp (Lôi Lạp), để bù vào lệ cống bỏ phiếu trong ba năm trước. Chúa chưa ưng thuận việc này, Trinh tâu rằng: “Từ xưa dụng binh, chẳng qua cốt muốn giết kẻ cừ khôi mở rộng bờ cõi. Nay Nặc Nguyên hối lỗi, dâng đất, tỏ lòng thành. Nếu tra cứu đến cùng tội dối trá của nó, nó sẽ chạy trốn. Và từ Gia Định đến La Bích đường đi xa xôi không tiện đuổi đến kỳ cùng. Nay muốn mở rộng bờ cõi, nên lấy 2 phủ ấy trước để giữ vững lấy phía sau lưng 2 doanh. Năm trước, mở phủ Gia Định, trước lấy Hưng Phúc, sau lấy Đồng Nam, khiến cho quân dân tụ họp đông đúc. Nay đất cũ từ Hưng Phúc đến Sài Gòn chỉ 2 ngày đường, dân cư còn chưa ở yên, quân lính đóng giữ cũng chưa đầy đủ. Hơn nữa, từ Sài Gòn đến Tâm Bôn, hàng 6 ngày đường, lính thú trú phong thực e không đủ. Tôi thấy người Côn Man trội về đánh bộ. Chân Lạp cũng đã thột dạ. Nếu cho họ ở vào đất ấy để chế ngự, dùng người Man đánh người Man, cũng là đắc sách. Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tội, lấy đất 2 phủ ấy, giao cho tôi xem kỹ hình thế, đặt lũy, đóng quân, biên chế chia cấp điền sàn cho quân dân, vạch rõ địa giới, cho thuộc về châu Định Viễn để thu toàn bức. Chúa nghe cho. Chưa bao lâu, Nặc Nguyên chết. Chúa bèn phong Nặc Tôn làm Chân Lạp quốc vương. Nặc Tôn lại dâng đất Tâm Phong Long. Trinh tâu xin mời doanh Long Hồ đến xứ Tâm Bào. Lại đặt đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc ở Hậu Giang, đều đem lính doanh Lông Hồ đến trấn áp. Cõi Nam mở đất đến đây rất rộng, đều là công Cư Trinh. Lại, Gia Định đường sông nhiều ngả, thuyền cướp thường tụ chỗ vắng, rình thuyền buồm đi qua thì cướp bóc, người buôn khổ lắm ! Trinh hạ lệnh cho các hạt: phàm thuyền lớn nhỏ, đều phải khắc tên họ quê quán chủ thuyền ở đâu, được quan sở tại làm số thuyền để tiện tra xét. Từ đây, kẻ gian không ẩn núp vào đâu được trộm cướp phải im hơi.
Cư Trinh ở ngoài biên hơn 10 năm, hy vọng rỡ ràng, dân di mến phục. Ông lại hay ngâm vịnh, thường cùng Hà Tiên đô đốc Mạc Thiên Tứ lấy văn từ tặng đáp nhau: lời và ý dồi dào đẹp đẽ. Vì văn nhiều, cho nên không chép vào đây. Ông lại họa 10 bài vịnh Hà Tiên, được đời truyền tụng.
Năm Ất Dậu (1765) Duệ tông hoàng đế nối ngôi chúa, triệu Trinh về, thăng Lại bộ kiêm tào vận sứ. Quyền thần Trương Phúc Loan cho mình có công lập chúa, chuyên quyền ngang ngược, thường triệu các quan đến nhà riêng bàn việc, Cư Trinh nghiêm nét mặt nói: Bàn việc ở công triều chế độ đã định từ lâu. Phúc Loan sao dám vô lễ như thế! Chực chuyên quyền à? Loạn thiên hạ, tất là người này?!” Các quan đều không dám đi. Phúc Loan căm giận lắm nhưng vẫn kính sợ không dám làm hại.
Năm Đinh Hợi (1767) mùa hạ, Cư Trinh mất, thọ 52 tuổi. Tặng phong Tá lý công thần, đặc tiến Trụ quốc kim tử Vinh lộc đại phu chính trị thượng khanh tham nghị, tên thụy là Văn Định.
Minh Mạng năm thứ 20 (1839), Thánh tổ Nhân hoàng đế truy lục công Cư Trinh, tặng Khai quốc công thần, vinh lộc đại phu, hiệp biện đại học sĩ, lĩnh Lại bộ thư, đổi thụy là Văn Khác, phong Tân minh hầu. Cho theo thờ ở Thái miếu.
Cư Trinh là người có tài lược, khéo quyết đoán. Những việc ông tâu bày phần nhiều là lời trung, bàn phải. Khi coi việc quân ở cõi nam, mở đất đai, giữ yên ngoài biên, có huân vọng siêu việt. Ông lại giỏi làm văn, trội thơ, có tập Đạm am lưu hành ở đời.
Cư Trinh có 2 trai: con trưởng là Cư Dật, là người có khí khái, Duệ Tông hoàng đế năm thứ 9 (1774) quân Trịnh vào xâm lấn, khi đến huyện Quảng Điền, sự thể rất gấp, Dật nghĩ nhà mình mấy đời ăn lộc, tự xin liều chết báo nước. Lập tức được chúa làm cho cai đội, đem quân đi chống giặc, quân thế hơi mạnh. Được thăng Khâm sai tướng binh. Năm ấy (1774), mùa đông quân Trịnh tiến gần đánh ngặt, Cư Dật sang sông Phú Lễ, bị chết đuối. Con thứ hai là Cư Tuấn, lúc mới vào Gia Định sung quốc tử giám thị học, trải làm quan đến cai bạ Quảng Trị, vì tham tang phải tội đồ. Con Cư Tuấn là Cư Sĩ 14 tuổi, xin thay cha đeo xiềng xích làm việc khổ sai. Thánh tổ Nhân hoàng đế thương xót tha tội cho. Lại cho Cư Sĩ vào giám học, sau đó bổ dùng, dần dần làm đến ngự sử án sát, trải làm bổ chính 2 tỉnh Phú Yên, Gia Định rồi chết.





4. NGUYỄN ĐĂNG TIẾN

Tự Mẫn, hiệu Minh Khiêm, là con thứ 5 Đăng Trị và là em Đăng Thịnh. Nhà nghèo, chăm học, Tiến khéo từ lệnh, đặc biệt là trội về thơ văn, quốc âm. Đời Túc Tông hoàng đế (1725 - 1737), ông thi cống sĩ, không đỗ. Quan trên yêu ông có tài, tâu lên, đình thần cũng đều tiến cử, được trao làm việc ở viện Văn chức, cùng anh là Đăng Thịnh cùng làm thị giảng Thanh Cung.
Thế tông hoàng đế lên ngôi chúa (1744) cho tăng Tuần phủ Phú Yên. Ông làm chính sự có nhân huệ. Về triều, thăng Văn chức viện Thừa chỉ.
Năm Bính Dần (1746), mùa thu, ra làm ký lục Quảng Nam. Sau đó, chúa cho làm Khâm sai tuần sát các châu huyện Hải Lăng, Vũ Xương và Bố Chính. Tại đó, văn án đọng lại bề bộn. Tiến xử đoán trôi chảy, người ta làm đều phục là tinh nhanh.
Năm Đinh Mão (1747), mùa thu, cai quản thuyền vận tải đến kinh, được triệu vào yết kiến chúa. Chúa yên ủi thăm hỏi, thiết yến và ban tặng ưu hậu. Sau đó, ốm chết, thọ 47 tuổi, tặng phong chính trị thượng khanh, thụy là Văn Trung, ban ân điển tử tuất gấp bội.
Đăng Tiến tính cương trực và thanh cảnh thận trọng giữ lời hứa, thích giao du tân khách, nói chuyện suốt đêm vui vẻ quên mệt. Nhà nghèo xác nhưng vẫn yên tâm. Lúc trẻ, làm văn thích phong điệu Từ, Dũ, lúc gần già, đọc Hàn, Liệu thể văn lại chuyển ra cổ kính và điển nhã, nhiều người hậu học đều bắt chước. Khi làm quan ông trong sạch, lại và dân đều yêu ông không ai nỡ lừa dối.
Tác phẩm có Minh Khiêm thi tập lưu hành ở đời. Tiến có 2 con: con trưởng là Đăng Khuông, làm quan đến Quảng Nam cai bạ, tuần hành 5 phủ, kiêm lĩnh chức bình nhung. Con thứ là Đăng Huy: Năm Giáp Ngọ (1774), mùa đông, quân Trịnh vào xâm lấn miền nam, Huy chạy đến núi Minh Linh, mộ binh cần vương, tự xưng là bình bắc đại tướng quân, đánh nhau với giặc. Quân bị thua, Huy chết ở trong rừng.





5. NGUYỄN ĐĂNG CẨN

Là con Đăng Đệ và là anh Cư Trinh, Cẩn có tính phóng khoáng, không chịu gò bó, lại cậy khí, thích võ nghệ. Hiển tông hoàng đế, năm 21 Nhâm Thìn (1712), ấm thụ văn chức viện, vì nhà nghèo mắc nợ tiền công, phải bãi chức. Năm Giáp Tý (1744) mùa thu, lại được dùng làm văn chức. Sau đó thăng hành cai bạ ký lục sự ở doanh Trấn Biên. Năm Đinh Mão (1747) mùa hạ, lũ lái buôn Phúc Kiến Lý Văn Quang tụ họp đồ đảng mưu làm phản nhưng sợ Cẩn chưa dám phát, nên mưu giết Cẩn trước. Chúng nhân ngày Tết Nguyên đán, chiều đến, rình lúc Cẩn không phòng bị, phục quân đâm Cẩn; Cẩn bị thương, còn lấy tay đánh giặc, giây lát cướp được thanh long đao, giết 5,6 tên giặc, rồi đó thuộc binh của Cẩn kéo đến, giặc bèn chạy. Cẩn bị thương nặng quá, chết. Lưu thủ Nguyễn Cường và Hưng Phúc đạo Tống Phúc Đại họp quân đi đánh bắt hết bọn giặc, Việc lên đến chúa, chúa tặng hàm đại lý tự khanh, thụy là Trung Nghị.
Trước kia Cẩn có một con ngựa khỏe, gửi nuôi ở chỗ khác. Đêm ấy, nhà chủ mộng thấy Cẩn vội vàng đến lấy ngựa, tỉnh dậy ra chuồng ngựa xem thì ngựa đã chết rồi! Nhà chủ lấy làm lạ, vội đi báo tin cho Cẩn biết, thì Cẩn đã chết từ canh hai đêm ấy rồi! Đến lúc tra tấn bọn giặc chúng đều nói: Đương đêm, thấy Cẩn cưỡi ngựa, múa đao, đón đánh, cho nên không trốn vào đâu được. Ai cũng cho là thiêng bèn lập đền thờ Cẩn ngay ở đấy.
Con Cẩn là Đăng Thông, ngụ ở Gia Định, lúc Tây Sơn vào “cướp” Thông mộ quân cần vương, làm quan đến khâm sai thống binh, đánh nhau với “giặc” chết trận. Thông có 3 con: Vinh, An và Thuận, đầu thời trung hưng, đều tòng quân, làm cai đội.
                                 Trích Đại Nam liệt truyện tập 1 Quốc sử quán triều Nguyễn.
                                 1841 (Thiệu Trị) viết Quyển 5 truyện các bề tôi
                                                     Nhà xuất bản Thuận Hóa 1997



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét