7/02/2011

Sự nghiệp cụ Nguyễn Cư Trinh

Nghiệp võ

Khi làm Tuần phủ Quảng Ngãi, ông có công đánh dẹp cuộc nổi dậy của bộ lạc người Hré ở Đá Vách [6] vào năm Canh Ngọ (1750), nhưng võ công đáng kể hơn cả chính là khi ông được điều động Miền Nam từ năm Quý Dậu (1753) cho đến năm Kỷ Mão (1759. Nhờ kế sách “dĩ man công man” và “tàm thực”, ông đã khéo léo thu cả miền đồng bằng sông Cửu Long về cho Đại việt.

Sách Việt Nam sử lược chép:
Nặc Nguyên về làm vua Chân Lạp thường hay hà hiếp rợ Côn Man và lại thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu đánh chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn biết tình ý ấy, đến năm Quý Dậu (1753), sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên. Năm Ất Hợi (1755) Nặc Nguyên thua bỏ thành Nam Vang chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ.
Năm sau Mạc Thiên Tứ dâng thư về nói rằng Nặc Nguyên xin dâng hai phủ Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công) để chuộc tội, và xin cho về nước. Chúa Nguyễn không muốn cho. Bấy giờ ông Nguyễn Cư Trinh dâng sớ bày tỏ cách khai thác nên dùng kế "tầm thực" nghĩa là nên lấy dần dần như con tầm ăn lá, thì mới chắc chắn được. Chúa Nguyễn nghe lời ấy bèn nhận hai phủ và cho Nặc Nguyên về Chân Lạp.
Nghiệp văn
   Tác phẩm
     Sãi vãi
Sáng tác bằng chữ Nôm của ông có vè Sãi vãi và Quảng Ngãi thập nhị cảnh. Thơ chữ Hán của ông có Đạm Am thi tập (chưa tìm thấy) và mười bài họa Hà Tiên thập cảnh vịnh của Mạc Thiên Tứ. Ngoài ra ông còn để lại một số thư điều trần gửi chúa Nguyễn và thư đáp lại thư của cha con họ Mạc.
Từ điển văn học (bộ mới) cho biết: Tác phẩm của Nguyễn Cư Trinh một phần được Lê Quí Đôn dẫn ra trong Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục và được Phạm Nguyễn Du chép trong Nam hành ký đắc tập. Có lẽ số thơ văn chữ Hán được ghi lại trong các sách trên là một phần của Đạm am thi tập hiện chưa tìm thấy.
Và cũng trong sách trên có nhận xét:
Toàn bộ sự nghiệp văn học của ông gắn với tâm sự và chí khí kinh bang tế thế, gắn với cuộc đời hoạt động của ông. Một số bài thơ có khí vị lối thơ biên tái, vừa phấn phát sôi nổi, hùng tráng; vừa lắng động, trầm tĩnh, bi hoài. Một số bài khác thì lại phản ánh tâm sự cô đơn, phiền muộn của một người đầy lòng ưu ái, thấy rõ tình hình thối nát của tập đoàn phong kiến Đàng Trong, thấu hiểu cảnh sống cơ cực, đau khổ của người dân, muốn “bàn nói mưu ngay, lẽ phải, nhưng đều không được theo” (Lê Quí Đôn)...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét