DANH NHÂN NGUYỄN CƯ TRINH (1716 - 1767)
(Trích ở "Phủ Biên Tạp Lục" của Lê Quý Đôn)
–––––––––––––––
Năm thứ 14, [1753] quí dậu, mùa đông, sai cai đội Thiện-chính hầu làm thống suất, ký lục Nghi-biểu hầu Nguyễn Cư Trinh làm tham mưu, đem quân đi đánh Cao-miên. Năm thứ 15, giáp tuất, mùa đông, chia quân làm hai đạo, Cư Trinh đem kỳ binh(1) từ sông Bát-đông(2) tiến vào, đi đến đâu cũng như gió lướt. Bốn phủ xôi-lạp, Tầm-bông(3), Cầu-nam(4), Nam-vang đều hàng. Lại do phía bắc Tần-lê mà ra sông cái [sông Mê-công], cùng họp với quân Thiện-chính hầu, đóng quân ở xứ Lô-yêm. Sai biệt tướng là Chấn-long hầu đến phủ Tầm-trầm-xiêm(5), chiêu dụ người Côn-man ở Thuận-thành làm quân tiếp ứng. Vua Cao-miên là Ông Nguyên trốn vào phủ Trầm-trầm-tho(6).
Bấy giờ tiên thánh Nghị tổ Ân vương [Trịnh Doanh] đương ở ngôi chúa, vừa dẹp yên các đám ngụy Canh(7) ngụy Cầu, trong cõi đã yên, uy thanh lừng lẫy đến xa. Phúc Khoát nghe đồn Cao-miên cầu viện với Nghệ-an, sợ triều đình nhân thế mà đánh, sai người bảo các sai trưởng các nguồn Tầm-linh huyện Võ-xuyên rằng vì đường núi xứ ấy thông với Cao-miên, phải sai người man thám thính, nếu trong Kinh có đem quên cứu giúp cao-miên hay nếu Ai-lao có quân viện trợ thì đem sự thực báo ngay.
Năm thứ 16, ất hợi, Thiện-chính hầu lui quân về đóng ở Mỹ-tho, sai binh Côn-man Thuận-thành đem xe cộ tự Kha-tung(8) xuống đóng đồn ở Bình-thạnh, đinh tráng có hơn một vạn người. Đi đến xứ Vô-tà-ân thì quân Cao-miên xưng là hơn vạn người đuổi theo. Người Côn-man đi mệt, xếp xe cộ lại làm lũy để chống cự. Cư Trinh đem năm đội cứu đến cứu, quận Cao-miên không dám đánh. Cư Trinh bèn đón người Côn-man cả trai gái hơn ba vạn người đến đóng ở chân núi Bà-đinh(9), rồi khải lên kể tội thống suất (Thiện-chính hầu) làm lỡ việc, Phúc Khoát gận, đòi Thiện-chính hầu về, sai Du-chính hầu thay làm tướng, giáng Thiện-chính hầu làm cai đội. Người Côn-man đã phụ theo, bèn đánh lấy Cầu-nam và Nam-vang, giết mấy người Ốc-nha Cao-miên. Vua nước ấy sợ hãi, nhờ tổng binh trấn Hà-tiên là Mạc Thiên-tứ xin tạ tội.
Năm thứ 17, bính tý, Ông Nguyên dâng đất hai phủ Tầm-bông và Xôi-lạp, xin dâng lễ cống và nộp bù thiếu cho ba năm trước. Phúc Khoát không nghe, đòi phải bắt nộp bọn loạn thần là Chiêu-chùy-ếc và Chiền-tốt. Cao-miên nói là đã giết đi rồi. Phúc Khoát cũng không nghe, bắt giải vợ con họ. Cao-miên cũng chối vì xa xôi. Cư Trinh xin lấy đất Ông Nguyên dâng đặt làm châu Định-viễn. Phúc Khoát nghe theo.
Năm thứ 18, Ông Nguyên chết, chú họ là Ông Nhuận quyền coi việc nước. Các tướng xin lập luôn Ông Nhuận làm vua, Phúc Khoát không nghe, muốn lấy cả đất Trà-vinh, Ba-xắc(10), nên để xuân dầu dãi mấy năm. Chợt con rễ Ông Nhuận là Ông Hinh tranh ngôi [giết Nhuận] và xin phong. Con Ông Nhuận là Ông Tôn chạy sang Hà-tiên. Bọn Du-chính hầu chia quân làm bảy đạo tiến đánh. Ông Hinh chạy đến Tầm-trầm-xoai, bị Ốc-nha Uông giết. [Du-chính hầu] tiến quân đến Tầm-trầm-long, cho Ông Tôn quyền coi việc nước Cao-miên. Bọn Ốc-nha Uông dâng đất Nam-vang để tạ ơn. [Du-chính hầu] bèn rút quân về, đóng ở dinh Long-hồ để trấn áp. [......]
Năm Cảnh-hưng quý dậu, Nguyễn Cư Trinh làm tham mưu ở Gia-định, đi đánh nước Cao-miên, qua 3 năm, chiêu an được dân quy hàng người Côn-man trấn Thuận-thành. Vua Cao-miên là Ông Nguyên chạy đi La-bích, dâng đất hai phủ Tầm-đôn và Xôi-lạp. Cư Trinh nhận lấy, cho quân đóng giữ, chia vạch địa giới. Chạy thư cho Nguyễn Phúc Khoát nói rằng: "Từ xưa dụng binh chẳng qua chỉ muốn giết kẻ cừ khôi, mở rộng đất đai. Tự dinh đồn Gia-định đến dinh La-bích, đường đi xa xôi, nghìn rừng muôn rú, không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang bờ cõi, cũng nên trước lấy hai phủ ấy để giữ vững sau lưng hai dinh. Nếu bỏ gần lấy xa, sợ hình thế gián cách, dân binh không tiếp nhau, lấy thì tuy dễ, giữ thì rất khó. Đời trước lập Gia-định, tất trước mở xứ Mỗi-xoài, rồi mở xứ Đồng-nai, để cho quân dân hoàn tụ, rồi mới mở xứ Sài-gòn, thế là lấy ít đánh nhiều, lấn đần như tằm ăn. Nay đất cũ tự Mỗi-xoài đế Sài-gòn, đường đi 2 ngày, dân chưa khai khẩn hết ruộng, binh đóng vẫn chưa đủ hống nữa tự Sài-gòn đến Tầm-đôn là 6 ngày đường, đất rộng ruộng nhiều, dân số có đến hàng vạn, chính binh đóng đồn thực lo không đủ. Quân Thuận-thành đất bộ rất giỏi, Cao-miên cũng đã sợ rồi. Nếu ta lấy dân làng xứ ấy khiến họ chế ngự, thế là dùng người Man đánh người Man, cũng là đắc sách. Xin xem địa thế, đặt lũy chia dinh, tập hợp dân binh, chia ruộng cho dân lập nghiệp". Lại vẽ địa đồ dâng lên, mới lập làm châu Định-viễn. [......]
Xứ Thuận-hóa có Nghi-biểu hầu Nguyễn Cư Trinh là người có tài làm việc, khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, sai làm tuần phủ Quảng-ngãi, năm tân mùi, từng có tờ bày tỏ tình trạng khốn tệ trong dân gian, nói rằng: Dân là gốc của nước, gốc không yên nước cũng không yên, lúc ngày thường không lấy ân huệ mà kết lòng dân, khi có việc thì hầu nương cậy vào đâu? Thiết nghĩ tệ cũ trong dân đã nhiều, nếu yên thường thủ cựu, không nhân thời mà bớt thêm, đặt khuôn bày phép, thì một xã còn không làm được, huống chi một phủ. Việc hại dân ngày nay thì cấp lính, nuôi voi, nộp án, ba việc ấy là trước hết, còn ngoài ra, những phí quá lệ rất nhiều, việc ấy vốn do trong Kinh kỳ, không dám vượt chức nói đến, xin nói về việc trong chức phận thôi. Dân Quảng-gãi chịu thống thuộc nhiều nơi, đã chịu lệnh các nha trường sai dư, lại chịu lệnh các nha trường điền tô, lại chịu lệnh các nha biệt tái, biệt nạp, lại chịu lệnh các nha sai viên vi tử, lại chịu lệnh các nha sai viên nguyên đầu, lại chiệu lệnh bản phủ, lại chịu lệnh quan lại nha môn, lại chịu lệnh các sai nhân, lại chịu lệnh của người đi săn ngang dọc, há không phải mười con dê đến chia người chăn, nghèo khổ thất nghiệp rất là đáng thương. Đã không có của thường, sao giữ được lòng thường? Trong lúc được bình yên mà lòng dân còn rất dao động, một mai có việc thì ngăn ngừa sao kịp? Nhân đó tâu bày bốn điều khốn tệ:
1. Phủ huyện là chức gần dân mà gần đây không giao cho trách nhiệm làm việc, chỉ cho khám hỏi từ tụng, thì chức của quan huyện đã chịu hư danh, mà người dân chịu lệnh nhiều ngả, muốn yên nghiệp sao có thể được? Xin từ nay trở đi, lệ thuế tiền thóc sai dư, điền tô, biệt phái, biệt nạp, ngụ lộc các nha, thuế đầu nguồn, tất cả giao cho tri huyện biên thu, chuyển giao cho quan Quảng-nam đệ nộp, để khỏi nhiều người phiền nhiễu.
2. Quan phủ huyện từ trước đến giờ chỉ trông vào bắt bớ tra hỏi mà lấy lộc, khiến của dân càng hao, tục dân càng bạc. Xin định cấp lộc thường và lấy liêm tham chăm lười mà thăng giáng.
3. Dân lậu có hai hạng, có người tránh việc trốn thuế mà đi lang thang, có người đói rét thiết thân mà xiêu tán, nay không chia đẳng hạng, vào sổ thu thuế tất cả, chúng tất sợ hãi, hoặc đi trộm cướp, bản xã lại phải bồi thuế nhà nước, dân sao chịu nổi? Xin từ nay hễ đính lậu, người có sinh kế thì thu thuế như lệ, người đói rét khốn cùng thì vẫn miến thuế cho, tùy cách vỗ nuôi, cho dân cùng được nhờ sống.
4. Dân nên để cho yên, không nên làm cho động, động thì dễ loạn, yên thì dễ trị. Nay sai người đi săn bắn ở rừng núi, tìm gà đòi ngựa, bọn ấy không theo được ý tốt của bề trên mà quấy rối dân địa phương, lại nhiều kẻ giả mạo, đến đâu cũng hiếp tróc, dân ta oán lắm. Xin từ nay trở đi, sai người làm việc gì, đều có bằng tích, đi về trình ở quan địa phương, để có thể xét rõ phải trái thực giả; nếu có nhiễu hại đến dân, xin được tiện nghi xử trị, hoặc đem việc tầu lên, ngõ hầu lòng dân được yên, khỏi đến dao động.
Sớ ấy rất là tha thiết, cuối cùng không thấy được theo. Sau hơn hai mươi năm, quả có loạn Tây-sơn, lời nói nghiệm lắm. Nhưng Cư Trinh đổi bỏ cái tệ nhiều quan nhiễu dân, mà lại muốn ủy cho quan huyện trưng thu các thuế, sợ chưa ổn thỏa. Vả lại quan huyện vị thấp quyền khinh, phận hèn lộc ít, sao có thể giải quyết mọi việc được; không bằng chuyên giao cho trấn quan mới là tiện. [......]
Nhân tài đời nào là không có. Đất Thuận-hóa, ở thời Nhuận Hồ có cha con Đặng Tất vì tài tướng văn tướng võ mà nổi danh. Ở quốc triều, vào khoảng Thuận-thiên Hồng-đức thì có Nguyễn Tử Hoan làm quân sư, Bùi Dục Tài đỗ tiến sĩ; thời Ngụy Mạc thì so Dương Văn An đỗ cao, làm sách Ô-châu cận lục; từ đầu thời Trung hưng của bản triều, Đoan quốc công vào trấn, đời sau nối nhau giữ việc quân, truyền tập riêng nhau, tự đặt quan lại, do đó nhân sĩ châu Ô, châu Lý không ai là không theo thời thế mà lập công danh, mà những người bộ khúc họ Nguyễn mang theo, phần nhiều là người Thanh Nghệ, kiều cư ngụ quán, con cháu họ có tài nghệ kiến thức, hoặc do tập ấm mà tiến lên, hoặc do thi cử mà bổ dụng, cũng lại không ít. Tuy hơn một trăm năm tới nay, họ tên của họ chưa vang thượng quốc, nhưng không thể bảo là không có nhân tài được.
Trời mở cuộc trị binh, chia lâu lại hợp, cửu trùng sâu nghĩ về cách vỗ về, đương muốn kén dùng quan cũ và thi cử lấy người tuấn nhã, biết đâu những kẻ sĩ nhờ ơn chờ đợi không ai là không hớn hở tiến ra để đón lấy cái vẻ vang tốt đẹp của trung triều !
Họ Nguyễn trước chuyên giữ một phương chỉ mở thi hương, song chuyên dùng lại tư, không chuộng văn học, ít thu lượm được người tuấn dị. Mỗi khi có khảo thi thì lấy học sinh hoa văn nhiều gấp năm lần chính đồ và những nơi quan yếu thì ủy cho họ hàng coi giữ mà cho người đậu hoa văn giúp việc. Người đậu thi hương, bắt đầu bổ làm tri phủ tri huyện, chỉ coi việc kiện tụng, thứ nữa là làm ký lục thì chỉ giữ việc dòi thu thuế khóa, những kế lớn mưu lớn thì không hỏi han gì đến, còn bọn tiểu hậu sinh thì cũng không thấy có sự nuôi dạy tác thành. [Thế mà] văn mạch một phương, dăng dặc không dứt, thực đáng khen lắm!
Nguyễn Cư Trinh hiệu là Đạm-am, người làng An-hòa huyện Hương-trà. Tổ sáu đời nguyên là họ Trịnh tên Cam, người trường Phù-lưu huyện Thiên-lộc, làm thượng thư Binh bộ triều Lê trước; gặp hồi ngụy Mạc cướp ngôi, lánh ở Thuận-hóa, cha là Đăng Đệ mới đổi họ, làm quan ở thời Tộ quốc công, trải chức tri huyện, ký lục. Cư Trinh thuở nhỏ giỏi văn chương, đỗ sinh đồ, bổ tri phủ. Thời Hiểu quốc công xưng vương, sai lầm tuần phủ Quảng-ngãi, ký lục dinh Bố-chính, bàn nói không gì là không mưu ngay lẽ phải, nhưng đều không được theo. Năm quý dậu đi đánh Cao-mên, sai sung chức tham mưu, điều khiển quân năm dinh, có cơ mưu trí lược, hay quyết đoán, trù hoạch rất rành rọt, bèn thu được ba vạn người Côn-man ở Thuận-thành bắt vua nước Cao-mên là Ông Nguyên hàng phục, lập Ông Tôn lên thay, Gia-định Hà-tiên lẫy lừng danh vọng. Ở biên thùy 11 năm, đến năm ất dậu Nguyễn Phúc Thuần kế tập mới triệu về làm Lại bộ, được mấy năm thì mất. Cư Trinh học rộng thơ hay, trong khi đóng dinh ở Bình-thuận và Gia-định, thường cùng với tổng binh Hà-tiên là Tông-đức hầu Mạc Thiên-tứ lấy văn tự tặng đáp nhau, có họa mười bài thơ vịnh Hà-tiên. [......]
Nguyễn Cư Trinh có thư đáp lại Mạc tổng binh Tông-đức hầu ở Hà-tiên rằng: "Vừa đây tiếp được thư hay khuyên đọc sách phải có sở đắc, và báo có điều gì cần thiết thì cứ gửi thư rồi sẽ trả lời, dặn dò như thế, có ý để dạy dỗ cho. Tấm lòng săn sóc ân cần ấy của ông, tôi bất giác vừa cảm vừa thẹn. Người ăn cá tươi ở đầm ao cũng còn nhớ ơn kẻ đan lưới, nếm quả ngọt ở vườn tược cũng còn nhớ ơn kẻ trồng cây, đó là được thì nhỏ mà lợi thì to vậy. Huống chi cho người ta mượn cái đồ kinh vĩ, ông lấy đạo nghĩa giúp cho mà lại quên cái lợi được tự đấy sao? Bình tĩnh mà nghĩ, dẫu có vét hết châu ngọc của bọn cướp, lấy hết vật quý ở đáy biểu mà dâng một bữa chén, thế tưởng cũng còn bạc bẽo. Ôi! Có gì ở văn? Nghe người xưa học như thế này: lấy gò đạo để làm thịt, nghiêng vực đức để làm rượu; kết trăm nết để làm nhà ở, họp muôn lành để làm mũ áo. Nói cái nên nói ở lúc nên nói thì bao giờ cũng đúng; làm cái đáng làm ở lúc đáng làm thì không việc gì là không nên. Sửa sang ở nhà mà nói phô ở sân vua, sửa sang ở nước mà thi hành đến cõi xa, thế mới gọi là có sở đắc. Tôi đây thì không thế. Lượm lấy cái nhỏ mọn ở bút mực, mà đặt lên trên kẻ lại dân; được ghi chút tư ấm quá tầm thường mà giao cho trách nhiệm ở bờ cõi, thì vinh ngộ đến bực nào? Thời tiết đến thế nào? Nếu không thế, thì tôi sao đã hẳn làm được cả kinh quyền, trong ngoài không cách trở? Triệu Mạnh mở cõi, chẳng qua nghìn dặm; cao tông bắt giặc, chẳng đến ba năm. Nhưng tôi thì chỉ uổng mến đức rộng của Hoàng công(1) mà rộng thì không làm gì được; thích toàn quân của Nam-trọng(2) mà toàn thì chẳng nên gì. Những kế tam hiểu ngũ nhĩ(3) thì mơ màng không hiểu được; lời dạy tam niên cơ nguyệt(4) thì mông mênh tựa biển khơi. Ra vào như phiếm gắn cột đàn; tiến thoái như dê húc vào giậu. Thế mà hiền hầu còn cho tôi là có sở đắc ư? Phàm ở trong rộng thì ngoài không thể hẹp, gần mà đi thi xa cũng đến nơi. Tôi đây là người đọc sách, nhưng như trong rộng, gần đi thi đều là những cái hiền hầu không đủ xem cả. Về giám chức thì không biết năm hành, không hiểu một chữ, cũng thấy đã là vô tài rồi, thế mà hiền hầu lại cho tôi là người thực có sở đắc ư? Tuy thế, người không thể bỏ đạo mà nên người, đạo cũng không thể xa người để làm đạo. Việc gốc ở đạo, đạo chứa ở việc; trời sinh ra người, người thành ở trời; không có tên nhất định, không có hình nhất định; chia ra thì làm ba tài, họp lại thì là sau sách(5). Có người ở trong ấy hoặc cuốn mà rút lại, hoặc mở ra ruỗi ra. Ai bảo là không nên? Tự ở người mà xem, vẫn có người được ở chính, có người được ở kỳ, có người không gì cầu mà không được, có người không ở đâu mà không được. Đạo là một thôi, mà tên thì không giống nhau, là vì do vị sai khiến vậy. Xưa có người nghiệp y, ưa cái quen mà ghét cái lạ. Một người chữa bằng thuốc và một người chữa bằng đá. Người chữa bằng đá bảo rằng: Nếu có việc gì khiến tôi giúp được người thì tôi dốc lòng làm mãi, người chữa bằng thuốc nói được, mới lấy phân trâu và nước đái ngựa mà gửi cho, thì vợ bạn ghét lắm, hầu muốn lìa chồng. Nhưng nước đái ngựa với phân trâu đối với người làm thuốc thì không đáng ghét, thu lấy hay bỏ đi, đều là do vị cả. Tôi từ tuổi nhược quan, vâng theo sách sót của tiên nhân, trộm lấy cặn bã của bao đời, được một điều gì đắc ý thì ghi bụng không thôi, lại theo đó mà cho chùng lại và cho căng ra, rằng tiến thì có tiến vậy. Khi đã làm quan thì căng lại làm cho chùng, chùng lại làm cho căng, dần dần mà thành một nửa. Ngày nay thì không thể lấy một và hai mà chia đều được. Người ấy chưa đến năm mươi tuổi, sao mà có lúc là gió, lại sao mà có lúc là mưa, đó không phải do vị sai khiến là gì? Mảng nghe hiền hầu nhún nhường về việc phong đất chia cỏ, giữ lời hẹn mà đốt tờ khoán, tha lầm lỗi, trọng lời ừ, vâng mệnh vua như ở trong gang tấc, theo Tiểu Bạch(6) ngay với nhà Chu; chăm thi cử mà nghiêm thưởng phạt, mến Bão Chân(7) trung với nhà Đường. Trí muốn vuông, ai xui tròn được? Nghĩa muốn tròn, ai xui vuông được? Cuối cùng một lời mà trăm kẻ dạ, một việc mà trăm kẻ theo, thì không phải nhăn da, không phải chẹt nách, thế rồi mà chưa tự mãn, tức không ngừng xem đọc, một điều hay đến thì vui như lên đài xuân. Điều ấy chẳng phải tôi có thể làm được; không những không làm được, lại sợ có thể làm mà không chu đáo, có chu đáo mà không kịp được. Sao thế? Vì để ý tiếng vang nên tai không nghe sấm, xét tìm lông nhỏ nên mắt không thấy hình, thì cũng như sở kiến của người chữa bằng thuốc và người chữa bằng đá, vì tư tưởng không vượt ra ngoài vị được. Điều ấy thì hiền hầu đã soi biết, lại không rõ sao? Thử xem đòi bán thóc ở ruộng đá thì chứa cũng như không, đòi hiến rượu ở chén rò thì có cũng như không. Có thể không phải sợ tôi khốn vì nhiều ư? Người quân tử khối vì nhiều sao? Ngọn nặng thì gốc phải lay, ngoài nhiều thì trong phải thiếu, có lời nói ấy nên mới đinh ninh cặn kẽ như thế, cho nên nói rằng trách bảo là cốt dạy dỗ cho. Tôi nay đã vâng lời rồi. Vật bay cũng bắn, không lo không được. Dám tỏ nỗi lòng khát khao kính mến."
Lại có bài thi dẫn đáp hiệp trấn Hà-tiên Tông-đức hầu rằng: "Phàm giữ lòng là chi, ngụ ý là thơ. Người có công sâu, cho nên thơ có ẩn và rõ, bao gồm và rút gọn không giống nhau. Thời có lên xuống cho nên thơ có bước đầu, lúc thịnh, lúc giữa, lúc muộn khác nhau. Tóm lại, không ngoài lấy trung hậu làm gốc, hàm súc làm nghĩa, bình đạm làm khéo, mà tô điểm cho đẹp đẽ, rèn luyện cho kỹ xảo, đó chỉ là ngoại thiên của sáu nghĩa(1) dư sự của năm mối (2) mà thôi. Tâm là cái khó lường, tiết ra mà làm thơ, mà thành. Thơ mà có thể đọc được, cốt ở một chữ, có khi đến ba năm mà sau mới tìm dược hay nghìn năm mà không giải quyết được. Tôi xem đó là khó lắm. Huống chi khi nhỏ còn bông lông, chưa hay dốc chí về kinh luân, lớn lên lại biếng lười, rất sợ cầu danh ở văn chương, cho nên sinh bình thơ hay rất ít. Huống lại sông vàng ải ngọc, muôn dặm tình hoài; lại việc ba quân còn rỗi đâu mà nghĩ đến thơ. Nếu có ngâm vịnh một hai bài thì cũng miễn theo người, chứ vốn cũng không phải tự minh cao hứng, so với điều không nên cẩu thả thực đáng xấu hổ. Xin khéo vì tôi che giấu không nên nói với người ngoài". [......]
VĂN HỌC NAM HÀ
(Trích trong Văn Vè Phương Nam thời kỳ phát triển của một số tác giả)
1. Vài nét lịch sử:
Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa từ 1558. Lúc đầu ông vẫn phục tòng họ Trịnh và vua Lê ở Tây Đô. Đến khi Trịnh Tùng lấy được Thăng Long (1593), ông đưa cả quân lính và súng ống ra giúp, lại ở lại 8 năm bên vua Lê, giúp Trịnh đánh Mạc. Sau, bất bình, ông mới nhân một lần lấy cớ đi đánh giặc đem cả bản bộ tướng sĩ về Thuận Hóa. Đó là nhằm ngày tháng 5 ta năm 1600. Về Thuận từ đây ông lo kế lâu dài, muốn tự tạo lấy một giang sơn riêng. Năm 1613 khi sắp mất, ông trối lại cùng con là Nguyễn Phúc Nguyên: "Đất Thuận Quảng này phía Bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía Nam có núi Hải Vân và núi Bi Sơn, thật là nơi trời để cho người anh hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để gây dựng cơ nghiệm muôn đời". Lời trối ấy nói lên một chương trình mà con cháu họ Nguyễn sẽ noi theo thực hiện. Và bước đầu tất nhiên của cái ý chí xưng hùng ấy là phải đói kháng đến cùng với họ Trịnh. Hai bên sẽ giao binh trong hơn nửa thế kỷ (1627 - 1672) quanh bờ sông Gianh, họ Nguyễn quyết giữ vững phòng tuyến của mình. Cuộc phân tranh ấy - một cuộc nội chiến làm đổ bao nhiêu máu - tuy nhiên cũng có cái hay của nó. Họ Nguyễn sau đó bị họ Trịnh bít lối phương Bắc, sẽ mang tất cả sinh lực, hùng khí mà kinh dinh một cuộc Nam tiến tốt đẹp. Quân chúa Nguyễn - và đằng sau là giòng Việt ngữ - sẽ lần lần theo giải đất chữ S mà mở rộng biên cương. Năm 1653, Nguyễn Phúc Tần đặt phủ Diên Khánh. Năm 1697, Nguyễn Phúc Chu đặt phủ Bình Thuận: đất Chiêm Thành bị nuốt hết. Năm sau, Nguyễn Hữu Kính được cử vào kinh lược đất Chân Lạp, coi Trấn Biên, Phiên Trấn mới thu phục. Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên. Năm 1759, nhận đất Tầm-phong-long, chúa Nguyễn Phúc Khoát kiểm soát tất cả miền Hậu giang. Đến đây, sau 6 đời chúa, giang sơn của họ Nguyễn đã mở rộng mênh mông về phương Nam. Miền Nam đến Võ Vương (ông chúa thứ 8) đã thành hẵn một ước "Đàng trong" có triều đình bá quan văn võ, có tổ chức chính trị vũng vàng, có những địa điểm kinh tế thương mãi như Phú Xuân, Quảng Nam, Phú Yên mà sự phát đạt có thể làm thèm thuồng nước "Đàng ngoài" của chúa Trịnh.
2. Tình hình văn học:
Song, suốt trong một thế kỷ rưỡi mở đất và dụng nước ấy thì tình hình văn học Nam Hà ra sao? Như đã nói ở phần lịch sử văn học chữ Hán, họ Nguyễn cũng lấy Hán tự làm văn tự của chính phủ, và dùng Hán học để giáo dục dân chúng và trị nước. Do đó mà cũng có trường học chữ Hán, có khoa cử để tuyển nho sĩ ra làm quan. Tuy nhiên học thuật chữ Hán ở đây chẳng được tiến bộ đến độ thịnh đạt như ở đất Bắc bởi những lẽ dễ hiểu:
a) Đất Nam hà từ quá Thuận Quảng trở vào là đất mới thực dân. Những phần từ dân tộc tiền phong trong cuộc Nam tiến thường là gia đình binh sĩ, cùng đinh vô sinh kế, muốn di cư để lập nghiệp, có khi tù nhân hay trộm cướp đào vong nữa, đến đất mới tất nhiên phải nhọc lòng lo sự sống đã. Một vài thế hệ về sau, khi đã vững đường sinh nhai, an cư lạc nghiệp, mới có thể để ý đến chữ nghĩa văn chương. Học thuật là một thứ cây thanh thế, đòi hỏi nhiều thời gian mới có đất và không khí để nẩy nở.
b) Công cuộc của các chúa Nguyễn trong một thế kỷ rưỡi ấy là một công cuộc chính yếu quân sự. Ba phần tư đầu thế kỷ 17 thì dốc cả sức lực vào cuộc phòng thủ chống họ Trịnh. Sau đó hưu binh với phương Bắc, nhưng cuộc Nam tiến lại càng đòi hỏi các chúa phải chăm lo binh bị rèn luyện sĩ tốt, chẳng có thể dành nhiều chú ý cho học thuật, văn chương.
c) Còn một lẽ nữa là đường trong cách xa nước Tàu. Đất Bắc sở dĩ phải trau dồi Hán học một phần vì ở sát nước Tàu, phải giao thiệp với Tàu, thường đem chính cái Hán học mà phô tài với người Tàu hầu giữ vững thế lực. Còn miền Nam từ khi quay lưng lại dãy Hoàng Sơn phải đối phó với những lân chủng trong những mối bang giao mà cái Hán học không cần thiết đến (mặc dầu vẫn có thể dùng Hán văn). Việc giao thiệp với nước Tàu đối với chúa Nguyễn trong suốt 6 đời chúa không thấy nói đến. Chỉ mãi đến chúa Nguyễn Phúc Chu mới sai sứ (1702) sang cống nhà Thanh (bằng đường bể) và xin phong vương. Nhà Thanh không cho. Mặc dầu vậy đến Nguyễn Phúc Khoát cũng xưng vương và định triều nghi.
Do đó mà Hán học ở Nam hà có phần sơ sài. Ngay ở các danh từ về chế độ ban đầu, như đặt ra ở phủ chúa 3 ty để lo việc nước gọi là Xá sai ty, Tướng thân lại ti, Lịnh sự ti, cũng đủ tỏ ở các nhà lãnh đạo bấy giờ trình độ Hán học chưa cao đạt lắm. Về sau đặt ra khoa cử thì mấy khoa gọi là Chính đồ, Hoa văn chỉ nhằm tuyển một ít thơ lại đủ cái hiểu biết về văn tự để dùng trong từ hàn, công văn. Mãi đến năm 1740, Vũ Vương mới chấn chỉnh phép thi, đặt đủ 4 kỳ và từ đó mới có danh hiệu hương cống (Nguyễn Cư Trinh là một trong những hương cống đầu tiên ở Nam hà). Miền Nam nói chung thiếu cái phong vị văn học, cái không khí thông thái cao đạt, đến nỗi sau này Nguyễn Nhạc ra Bắc chỉ thèm thuồng được biết những ông Nghè triều Lê, lại ước ao khi về được đem theo mấy ông về.
Học thuật đã không tinh luyện thì tất nhiên sự sáng tác chẳng có thể giỏi giang được. Đất Nam hà thiếu bóng nhà nho, và thơ phú văn chương chẳng dễ nẩy nở như ở miền Bắc. Những danh nhân miền Nam đều là nguwòi có công trạng đánh dẹp, khai thác, chẳng phải là nhà khoa bảng hay văn học. Mấy nhà nho ban đầu như Đào Duy Từ, Nguyễn Hũ Dật đều ở Bắc hà tìm vào, Hán học truyền đến các thế hệ sau thì sở đắc nói chung kém lực lượng; và phải đợi đến 100 năm sau vun trồng trở lại mới có một hương cống Nguyễn Cư Trinh có thi văn hành thế (Đạm an văn tập).
Văn sĩ Thuận Hoá như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Đăng Thịnh, Nguyễn Quang Tiền, Nguyễn Thế Lân... Thơ văn phần nhiều đáng được để ý. Cư Trinh giữ chức tham mưu ở Gia Định, là bạn văn thơ với Mạc Thiên Tứ. Ông ta hoạ bài thơ Kim dữ lan đào, bài Lư khê ngư bạc...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét