7/02/2011

Lăng mộ cụ Nguyễn Cư Trinh

Địa điểm: An Nông, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế 32km về phía Tây Nam.
Nguyễn Cư Trinh, sinh ngày 12 tháng Giêng năm Bính Thân (1716) tại An Hòa, Hương Sơ, thành phố Huế. Ông là một nhà kinh tế, quân sự, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở thế kỷ XVIII của xứ Đàng Trong.

Năm 18 tuổi, ông thi Hương trúng cách, được bổ Huấn đạo. Năm 1740, ông thi đỗ Cống sĩ, lãnh chức Tri phủ Triệu Phong. Năm 1741 được đề bạt vào Viện Văn Chức, làm việc bên cạnh Chúa.
Năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát xưng Vương hiệu, Nguyễn Cư Trinh phụ trách việc soạn thảo văn thư, từ lệnh. Ông được Chúa bổ nhiệm nhiều chức vụ khác: Tuần phủ Quảng Ngãi; Ký lục dinh bố chính; Lại bộ kiêm tào vận sứ. Nhiều lần ông được cử lãnh binh đi dẹp loạn ở miền Nam, ông luôn chủ trương dùng “Tâm công” để bình thiên hạ, bất đắc dĩ mới phải dùng đến vũ lực. Ông thực hiện chính sách mở mang đất đai, tổ chức cơ cấu hành chính phù hợp với tình hình mới, bài trừ tệ nạn trộm cướp, giúp đỡ và khuyến khích nhân dân mở đất, tích cực sản xuất, ổn định đời sống, giữ vững kỷ cương xã hội.
Ngoài sự nghiệp chính trị, Nguyễn Cư Trinh còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị, về chữ hán có “Đạm Am thi tập”; “Hạo nhiên đường văn tập” và 10 bài họa “Hà Tiên thập vịnh cảnh”; về chữ Nôm có bài vè Sãi vãi và 12 bài thơ vịnh cảnh Quảng Ngãi.
Ông mất năm 1767, chúa Nguyễn Phúc Thuần truy tặng Tá lý công thần đặc tấn trị quốc kim tử vinh lộc đại phu chính tự thượng khanh tham nghị, ban Thụy Vân Định. Đến đời Minh Mạng, truy tặng ông là Khai quốc công thần, Hiệp biện đại học sỹ, truy phong tước Tân Minh Hầu, cho tòng tự ở Thái Miếu.
Lăng mộ của ông nằm giữa vùng đồi núi, cảnh trí đẹp, mộ nằm theo hướng Tây Nam, hình chữ nhật, lăng dài 14,60m; rộng 12,8m, cao 1,65m. Mộ Nguyễn Cư Trinh được chôn cùng hai bà vợ (mộ tam táng), mộ hình chữ nhật, dài 2,90m, rộng 2,30m.
Di tích lăng mộ Nguyễn Cư Trinh được Bộ VHTT ra quyết định công nhận số 05/1999/QĐ-BVHTT ngày 12/1/1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét