10/10/2014

Một bài văn tế của Nguyễn Đăng Thịnh (tác giả Cao Tự Thanh)

MỘT BÀI VĂN TẾ CỦA NGUYỄN ĐĂNG THỊNH
Cao Tự Thanh - Tp. Hồ Chí Minh
Khi đề cập tới các tác giả văn học viết Việt Nam ở Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII (trở xuống viết tắt là văn học Đàng Trong), nhiều công trình nghiên cứu trước nay vẫn nhắc tới Nguyễn Đăng Thịnh (1696 - 1755) bên cạnh những Mạc Thiên Tích, Nguyễn Cư Trinh, Ngô Thế Lân, Nguyễn Quang Tiền, Nguyễn Dưỡng Hạo, Phạm Lam Anh..., và quả thật đây là một nhân vật rất đáng chú ý trên cả hai phương diện chính trị và văn chương. Về tiểu sử của ông, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Truyện Nguyễn Đăng Thịnh chép:

“Nguyễn Đăng Thịnh tự là Hương, hiệu Chuyết Trai. Cha tên Đăng Tiến, là anh Đăng Đệ, buổi đầu thi đậu Hương tiến, làm quan tới chức Văn chức kiêm Giám trạng, được tặng là Triều nghị đại phu.
Đăng Thịnh lúc nhỏ thông minh nhớ dai, học rộng văn hay. Năm 14 tuổi thi đậu, được bổ Lễ sinh nhưng từ chối không nhận(1). Khoa năm Tân Sửu, Hiển Tông hoàng đế thứ 30 (1721) thi đậu Hương tiến, đầu tiên được trao chức Tri huyện Hương Trà. Kế được triệu về làm việc ở Văn chức viện, nhờ văn chương nổi tiếng một thời, từ lệnh của triều đình đều do tay ông soạn ra.
Năm đầu đời Túc Tông, Thế Tông ở ngôi Thế tử, Đăng Thịnh được sung làm Thị giảng. Mùa đông năm Canh Tuất (1730) được thăng làm Đô tri. Mùa đông năm Tân Hợi (1731) được cử ra làm Cai bạ Quảng Nam. Mùa đông năm Ất Mão (1735) được triệu về thăng chức Nha úy. Mùa hạ năm Giáp Tý (1744) Thế tông bắt đầu lên ngôi vương, bài biểu của quần thần xin chúa lên ngôi có câu “Chính danh phận lúc cả nước duy tân, Dấy lễ nhạc sau trăm năm chứa đức”, lại có câu “Xưa bảy chục dặm cõi bờ, đủ nên nghiệp đế, nay ba ngàn dặm thổ vũ, sao khứng tước công”(2) là do Đăng Thịnh soạn ra. Kế nhờ có công đầu trong việc sách lập ngôi tôn, được trao chức Lễ bộ kiêm Lại bộ. Phàm phẩm phục quan chức, nghi lễ triều đình, chế độ một phen đổi mới, phần lớn do Đăng Thịnh góp sức định ra. Mùa hạ năm Ất Hợi (1755) chết tại chức, năm ấy 62 tuổi, được tặng là Chính trị thượng khanh Tham nghị, ban tiền lụa để hậu táng.
Sau khi Thịnh chết, chúa sai người tới nhà thu thập các di thảo văn chương để xem, đọc tới nhiều bài lấy làm khen ngợi nhớ tiếc. Thịnh giỏi thơ văn, có trước tác Hiệu tần thi tập, Chuyết Trai văn tập, Chuyết Trai vịnh sử tập, đều lưu hành ở đời. Con trưởng là Đăng Giám, làm quan trải tới chức Cai bạ dinh Trấn Biên, được tặng là Tư trị thiếu khanh. Con thứ là Đăng Vinh, làm quan tới chức Hàn lâm trực giảng, được tặng là Quang lộc tự khanh”(3).
Tuy nhiên ngoài vài bài thơ được Lê Quý Đôn sao lại trong Phủ biên tạp lục như Vịnh Hán An đế, Vịnh Tống Chân tông, Vịnh Tống Cao tông, Vịnh Tống Độ tông(4) có lẽ rút từ Chuyết Trai vịnh sử tập, đến nay vẫn chưa có ai giới thiệu tác phẩm nào khác của Nguyễn Đăng Thịnh, mặc dù theo Đại Nam liệt truyện tiền biên thì ông đã sáng tác không ít. Đối với việc tìm hiểu văn học Đàng Trong, đây là một thiếu sót lớn. Tháng 1 năm 2006, được quỹ Havard-Yenching tài trợ để tới Viện Nghiên cứu Hán Nôm điều tra tư liệu văn học Hán Nôm ở Đàng Trong, chúng tôi đã may mắn đọc thấy một số thơ văn chưa được công bố của Nguyễn Đăng Thịnh, trong đó chỉ riêng phần Mộ chí minh trong Đại Nam văn uyển thống biên, ký hiệu A.1519/5 đã có tới hơn 10 tác phẩm, đều viết bằng chữ Hán như Quảng Nam ký lục Nguyễn Đăng Tiến mộ chí minh, Hộ bộ kiêm Binh bộ tặng Tham chính Nguyễn Thừa Tự mộ chí minh, Hộ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại mộ chí minh, Quảng Nam ký lục Du Trường hầu mộ chí minh, Tế Hình bộ Uẩn Thiện hầu văn...thuật lại hành trạng, công nghiệp của một số quan lại trong chính quyền Đàng Trong thế kỷ XVIII như Nguyễn Đăng Tiến, Nguyễn Thừa Tự, Lê Quang Đại, Du Trường hầu, Uẩn Thiện hầu. Sau đây xin giới thiệu toàn văn bài Tế Hình bộ Uẩn Thiện hầu văn, một bài văn tế đáng chú ý trên nhiều phương diện đối với những người quan tâm tới văn học Đàng Trong.
Phiên âm:
Tế Hình bộ Uẩn Thiện hầu văn
Ô hô, Thái tuế tại xà, hiền nhân phụ kha. Vu Hàm giam mặc, Diêm Doãn tư ta. Du du thương khung, thục chủ trương da? Mang mang kham dư, thục trú định da? Tương phù vân dị tán, điện quang dị qua (quá) da? Ức cam tỉnh tiên kiệt, trực mộc tiên phạt da? Bành hà nhân nhi vãn thúy, Thương hà cữu nhi triêu hoa? Đông lân hồ khấp, Bắc lý hồ ca. Họa phúc ỷ phục, vinh tụy giao gia. Giao cát củ phân, vi chi nại hà? Thống duy Lê hầu: Ôn cung nhã thực, minh doãn huệ hòa. Nhược Công Cẩn chi thuần giao, thiên chung tự túy, nhược Liêm Khê chi tễ nguyệt, xích vụ nan già. Khắc kỷ trừng tâm hề, liệt nhược thu thủy, nịch quản trích từ hề, xán nhược xuân ba. Phu tấu nạp ngôn hề, dũng như bộc bố, đương trọng trí viễn hề, nhược khinh xa. Diêm mai điều canh hề, khúc nghiệt tác lễ, cần vương phụng quốc hề, trung hiếu truyền gia. Ế thế thượng chi kỳ trân hề vi nam kim vi đại cụ, ế nhân trung chi lợi khí hề vi Can Tương vi Mạc Da. Cổ quăng tâm lữ hề vi Tiêu vi Trương, phong du khí độ hề vi Diêu vi Tống. Chính sự minh đạt hề vi Do vi Cầu, trù sách ưu trường hề vi Giả vi Đổng. Nghi vĩnh niên hề vi quy vi hạc, nghi cát tường hề vi lân vi phụng. Nại hà dĩ ngũ thập nhất niên chi thân thế, vạn sự phù âu, nhị thập thất nguyệt chi công danh, nhất trường xuân mộng. Sở hận giả huyên hoa bô lạc, đố ngư phất đải ư thừa hoan, sở bi giả việt ấm tài phân, tiêu lộc nga thành ư hý lộng. Hu ta hề thanh hoa vị kiệt, tằng kỷ thì vu tử đà kim, hu ta hề sâm truật nan y, chung vô thuật sưu diên thiêm củng (cùng). Bạch vân vân viễn, nhược bồn chi vọng không ân, linh lộ dị hy, khám thất chi tai hà thống. Hoàng tuyền hạnh hạnh, phiên vi mẫu tử chi tao phùng, tố triệu phiên phiên, không kiến đồng mông chi tích dũng. Ô hô thống tai ! Song thảo lục hề xuân phong sinh, đình diệp lạc hề thu nguyệt minh. Âm dương man cách hề nhân cầm cộng tịch, vân thiên liêu quách hề hồng nhạn vô thanh. Ô hô thống tai! Nhất dạ cái quan, thiên thu thệ thủy. Thành Đô tứ bích, nan văn đỗ vũ chi bi đề, Cảo Lý nhất khâu, vĩnh tác Trần ông chi thục thụy. Ngụy Văn Trinh chi cáo tạ, minh khanh hạnh nhiên, Lý Tham chính chi vân vong, lương thần dĩ hĩ. Nhục quyến cửu đế kim lan, thiêm đồng thanh khí. Phương bán dạ dĩ đàm tâm, đệ nhất triêu nhi phân duệ. Minh song tĩnh kỹ, dĩ phi đối tháp chi tình, hồng lục bạch tần, cô phụ đồng chu chi nghị. Cánh hận ái tử phố giai phối ngẫu, tảo thất nghiêm đường, nhược nhi tài nhập môn đình, đệ vi cữu thị. Ô hô thống tai ! Thùy dương tỏa viện, lê hoa bế môn. Đường khách tịch liêu, đình tước hoa huyên. Đốt ta linh lạc, phi phục sinh tồn, tư nhân bất thục, thiên đạo nan ngôn. Trà yên thi án, phảng phất anh hồn, sinh sô nhất thúc, vạn cổ càn khôn. Hầu kỳ huệ lai, hâm ngã kim tôn. Ô hô thống tai! Phục duy thượng hưởng !
Tạm dịch:
Than ôi, Thái tuế tại Tỵ, người hiền đi đâu. Vu(5) Hàm miệng ngậm, Diêm Doãn lòng đau. Trời cao vòi vọi, ai làm chủ sao ? Đất rộng mênh mông, ai ở mãi sao? Như mây nổi tan nhanh, ánh chớp qua mau sao? Hay giếng ngọt cạn sớm, cây ngay đốn trước sao? Ông Bành (Tổ) đức gì mà sống thọ, người yểu tội gì mà chết mau? Thôn đông khóc bậy bạ, Xóm bắc hát tào lao. Héo tươi tráo chác, họa phúc xen nhau. Rối ren chằng chịt, đâu biết làm sao? Xót thay Lê hầu: Điềm đạm nho nhã, sáng suốt hiền hòa. Như Công Cẩn (Chu Du) rượu ngon, ngàn chung tự rót, như Liêm Khê (Chu Hy) trăng sáng, thước khói khôn nhòa. Khắc kỷ giữ lòng chừ thu trong bóng nước, ngâm thơ thổi sáo chừ xuân rạng màu hoa. Tấu sớ dâng lời chừ mạnh như thác đổ, đường xa gánh nặng chừ nhanh tựa xe qua. Mơ muối nêm canh chừ còn men ủ rượu, giúp nước thờ vua chừ trung hiếu truyền gia. Át trân bảo trên đời chừ làm vàng ròng làm vật báu, hơn kiếm sắc cõi người chừ làm Can Tương làm Mạc Da. Tay chân tâm phúc chừ làm Tiêu (Hà) làm Trương (Lương), phong nhã độ lượng chừ làm Diêu (Sùng) làm Tống (Cảnh). Chính sự thông đạt chừ làm (Trọng) Do làm (Nhiễm) Cầu, mưu kế sâu xa chừ làm Giả (Nghị) làm Đổng (Trọng Thư). Lẽ ra phải dài lâu chừ như hạc như rùa, lẽ ra phải tốt đẹp chừ như lân như phụng. Sao lại đem năm mốt năm thân thế, biến thành muôn sự bọt tan, hăm bảy tháng công danh, xem tựa một trường ảo mộng. Hận là hận nhà huyên mới mất(6), văn chương không kịp vui chơi, đau là đau bóng rủ vừa chia, hươu chuối chợt thành hý lộng. Ôi thôi chừ thanh hoa chưa hết, từng mấy giờ cuộn tía kéo vàng, ôi thôi chừ sâm truật khó lòng, rốt không thuật rút chì thêm nước. Mây xa nói nhạt chậu khôn đầy(7), móc nhẹ dễ tan nhà trống rỗng. Suối vàng thăm thẳm, mẫu tử tao phùng, phướn trắng bay bay, cháu con khóc rống. Than ôi xót thay! Cỏ bãi xanh chừ gió xuân hiu hắt, lá sân rụng chừ trăng thu mông mênh. Âm dương xa xôi chừ điệu đàn tắt lặng, mây trời quạnh quẽ chừ chim nhạn buồn tênh. Than ôi xót thay! Một tối người đi, ngàn thu nước chảy. Thành Đô bốn vách, khó lòng nghe tiếng cuốc kêu thương, Cảo Lý một gò, rồi đây giống ông Trần (Trần Đoàn) ngủ mãi. Ngụy Văn Trinh (Ngụy Trưng) tạ thế, tiếng nhạc chợt im, Lý Tham chính (Lý Bí) qua đời, tôi hiền đã ruổi. Kẻ thông gia xấu hổ là tôi: vốn kết kim lan, thêm cùng thanh khí. Mới đêm trước còn tỏ lòng, mà sáng nay đà rẽ lối. Song thưa ghế sạch, không kẻ tri giao, tần trắng lục hồng, phụ tình thế nghị. Thêm hận con yêu vừa yên gia thất, sớm mất cha rồi, trẻ thơ mới tới môn đình, đã xa cậu vậy. Than ôi xót thay! Dương sân tàn tạ, lê cổng héo hon, khách sảnh vắng tanh, sẻ kêu ồn ã. Quái thay rơi rụng, thân xác vùi chôn, kiếp người không may, đạo trời khó bàn. Khói trà án sách, phảng phất anh hồn, cỏ tươi một bó, muôn thuở càn khôn. Hầu như ra ơn, xin chứng chén vàng. Than ôi xót thay! Có linh xin hưởng!
Khác với các bài Quảng Nam Ký lục Nguyễn Đăng Tiến mộ chí minh, Hộ bộ kiêm Binh bộ tặng Tham chính Nguyễn Thừa Tự mộ chí minh, Hộ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại mộ chí minhmà nhan đề đã nêu rõ họ tên người được tưởng niệm, bài Tế Hình bộ Uẩn Thiện hầu văn này không nêu tên người được tế, chỉ biết là một người họ Lê, giữ chức Hình bộ, chết năm Tỵ (Thái tuế tại xà). Tuy nhiên Đại Nam liệt truyện Tiền biên, Truyện Lê Xuân Chính chép “(Lê Xuân) Chính có hai con. Trưởng là Xuân Hy, lúc nhỏ thông minh chăm học, nhờ là con nhà thế gia được bổ vào Văn chức viện. Năm Túc Tông hoàng đế thứ 4 (1729) được thăng làm Ký lục dinh Bố chính, làm quan có chính sự tốt, quan dân đều thương mến kính phục. Mùa xuân năm Thế Tông hoàng đế thứ 7 (1745) được thăng làm Khâm sai Binh vụ dinh Bố chính, mùa đông năm Thế Tông thứ 9 (Đinh Mão 1747) được thăng làm Hình bộ. Mùa đông năm Thế Tông thứ 11 (Kỷ Tỵ 1749) chết, được tặng là Chính trị thượng khanh Chánh Thiêm sự”(8). Sự ăn khớp về nhiều chi tiết như vậy cho phép xác định rằng nhân vật Uẩn Thiện hầu được tế này chính là Lê Xuân Hy.
Về nội dung, bài văn tế nói trên chỉ là tán dương tài năng đức độ, ca ngợi gia thế công nghiệp, tiếc nhớ phẩm cách phong thái... của Lê Xuân Hy. Tuy nhiên do quan hệ thông gia và nhất là mối giao tình “thanh khí tương đồng” với Lê Xuân Hy nên Nguyễn Đăng Thịnh đã bộc lộ tình cảm rất chân thành của mình qua tác phẩm này, khiến nó trở thành một bài văn tế thực sự làm xúc động lòng người. Hơn thế nữa, trong phần Tán ở đầu bài văn tế ông đã sử dụng thể minh như một loại văn tế tứ tự để bày tỏ một nhân sinh quan rất khoát đạt mà cũng rất nhân văn về sự sống chết của con người, một nhân sinh quan dường như ít nhiều chịu ảnh hưởng của học phái Lão Trang. Bên cạnh đó, các điển cố trong bài văn tế này còn ít nhiều cho thấy học vấn quảng bác của tác giả: Nguyễn Đăng Thịnh không những sử dụng nhiều điển cố trong văn chương và lịch sử Trung Quốc mà còn đề cập tới cả những thuật ngữ của giới đạo sĩ luyện đan (“trừu diên thiêm củng” - bớt chì thêm thủy ngân). Đặc biệt, về nghệ thuật thì bài văn tế này còn kết hợp thể minh (trong phần Tán ở đầu và phần Ai ở cuối), còn phần Thán ở giữa chủ yếu dùng thể phú cổ thể, dạng kết hợp này dường như hoàn toàn không thấy trong các bài văn tế thế kỷ XVII - XVIII trên địa bàn Đàng Ngoài.
*
* *
Cho đến nay, văn học Đàng Trong vẫn còn chưa được tìm hiểu một cách xứng đáng, vì ngoài những khó khăn về tư liệu còn có vấn đề sự quan tâm chưa đúng mức của nhiều người nghiên cứu. Trường hợp Nguyễn Đăng Thịnh với bài văn tế trên đây chỉ là một ví dụ, nhưng như chính chúng cho thấy, những ví dụ loại này chính là bằng chứng về thiếu sót của chúng ta trong việc tìm hiểu di sản văn học Hán Nôm Việt Nam.
Chú thích:
(1) Được bổ... không nhận: theo lệ của chính quyền Đàng Trong, cứ 9 năm tổ chức thi một lần (tương tự thi Hương, gọi là khoa Chính đồ), những người đậu được chia ra làm ba hạng, hạng cuối được bổ làm Lễ sinh hoặc cho làm Nhiêu học, được miễn lao dịch suốt đời. Ngoài ra còn có khoa Hoa văn, thi những người có học, biết đọc biết viết để chọn làm thư lại. Đây nói việc Đăng Thịnh không nhận chức Lễ sinh có nghĩa là ông thi khoa Chính đồ nhưng đậu vào hạng cuối nên tự coi như không đậu.
(2) Chính danh phận... tước công: nguyên văn là “Chính danh phận ư nhất quốc duy tân chi thủy, Hưng lễ nhạc ư bách niên tích đức chi dư” và “Dĩ thất thập lý chi cương vũ, tự khai Hoàng điểu chi cơ, Thẩn tam thiên lý chi dư đồ, thượng tiễn hoàn khuê chi vị”. Câu trước có khác chút ít so với câu Lê Quý Đôn chép trong Phủ biên tạp lục. Câu sau dùng tích Huyền điểu, nhắc việc bà Giản Địch nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra thủy tổ nhà Thương và điển hoàn khuê, là cái hốt bằng ngọc khuê của tước công cầm khi chầu vua, trên đây chỉ dịch ý.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb. KHXH, H. 1995, tr.198-200.
(4) Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục, Nxb. KHXH, H. 1964, tr.302-307.
(5) Đại Nam văn uyển thống biên, A.1519/5 chép chữ này là “Vu” (ở), nhưng Đại Nam văn uyển thống biên, VHv.205/7 chép là “Vu” (thầy đồng), đây theo bản VHv.205/7. Trang Tử, Nam hoa kinh,Ứng đế vương nói nước Trịnh có một người thầy đồng (vu) tên Quý Hàm giỏi xem sự sống chết thọ yểu may rủi của người ta, lại có thể nói đúng cả ngày tháng. Đây dùng với ý cái chết của Lê Xuân Hy bất ngờ tới mức những người giỏi biết số mệnh như thầy đồng Quý Hàm cũng phải ngậm miệng vì không nói trước được.
(6) Theo bài Tham nghị Thanh Dương hầu Nguyễn phu nhân mộ chí minh của Nguyễn Đăng Thịnh cũng chép trong Đại Nam văn uyển thống biên A.1519/5 thì mẹ Lê Xuân Hy là bà Nguyễn Thị Diễm chết giờ Tý ngày 11 tháng 8 năm Kỷ Tỵ 1749.
(7) Câu này chúng tôi chưa rõ ý nghĩa, ở đây chỉ tạm dịch.

(8) Đại Nam liệt truyện tiền biên, Sđd., tr.233. Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb. Sử học, H. 1962, tr.210 không chép việc Lê Xuân Hy chết mà chỉ chép ông được thăng Hình bộ tháng 11 năm Đinh Mão 1747, nhưng như vậy thì không thật chính xác, vì theo bài văn tế này thì ông giữ chức 27 tháng và chết trong năm Kỷ Tỵ. Xem ra có lẽ ông được thăng Hình bộ tháng 10 năm Đinh Mão 1747 và chết tháng 12 năm Kỷ Tỵ 1749 thì hợp lý hơn. /.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét