5/30/2013

An Hoà mảnh đất quê hương


Làng là nơi lưu giữ những kỷ niệm làm cho tâm hồn mỗi người trở nên thanh thản, tìm lại chân lý sống phù hợp với đạo lý làm người. "Ăn quả nhó kẻ trồng cây". Làng là một triết lý sống. Tình làng nghĩa xóm hãy thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau, tối lửa tắt đèn có nhau, khi hoạn nạn có nhau. Một nét văn hoá Làng!

Nằm cạnh Quốc lộ 1A cụ Lê Quang Kim mô tả quang cảnh đình làng:
Đình ta vẫn có từ lâu
Tổ đình dựng hướng quay về Đông Nam
Phía Tây Thuận Hoá rõ ràng
An Hoà tên đẹp vô vàn kính yêu
Xưa kia cổ thụ trồng nhiều
Chung quanh bao bọc thành đầy trang nghiêm
Hằng năm chiếu lệ tế làng
Bố tôi thường dự gắn tình đồng hương
Chẳng qua chiến cuộc đổi thay
Đình làng bị dỡ nơi nầy nơi kia
Sau ngày hiệp định Giơ-ne-vơ (1954)
Hoà bình lập lại rực cờ mừng vui
Dân làng nô nức tưng bừng
Đem đình dựng lại phục hồi chốn xưa
Bao nhiêu kiến trúc cầu kỳ
Ông cha xây dựng để dành mai sau
Họ Hồ là tộc đứng đầu
Có công lập nghiệp gọi là khai canh
Cứ theo thứ tự anh em
Mười hai họ họp chăm lo việc làng
Xưa kia làng lắm nhân tài
Gần đây lại có văn hào Cư Trinh
Có công xây dựng tổ đình
Ngày nay con cháu chúng mình nghĩ sao?
Người nhiều kẻ ít đóng vào
Sửa sang đình lại tự hào tích xưa.
Xuân Kỷ Tỵ (1989)
Đình làng nằm phía Bắc Thuận Hoá - Kinh thành Huế, Làng An Hoà có 2 địa danh: An Hoà Thượng, An Hoà Hạ. Phủ biên tạp lục cụ Thượng thư Lê Quý Đôn viết (1776) Làng An Hoà thuộc xã An Hòa. Đến năm 2007 Làng An Hoà nằm thuộc phường An Hoà.
Theo tập văn tế Làng do Bác Nguyễn Đại Thưởng viết ngày 17/2/1973 Họ Hồ khai khẩn làng. Tổng số Họ trong làng: 12
9 Họ xa xưa: Hồ - Đăng - Văn - Viết - Trần Đăng - Lê Quang - Nguyễn Thắng - Nguyễn Đức - Nguyễn Tấn.
3 Họ mới (thế kỷ 20): Nguyễn Đại - Nguyễn Thiện - Trần Văn.
Ngoài ra còn nhiều phụ phái như Phan, Nguyễn Sanh, Trần Đình, Nguyễn, Ngô, Nguyễn Bá.
Theo sách Ô Châu Cận Lục làm xong năm Ất Mão (1553) ghi chép lại các làng xã của hai châu ô - Lý. Có lẽ trước khi xây dựng kinh thành Huế, làng An Hoà toạ lạc nội thành.
Sau khi xây kinh đô Phú Xuân 1802 làng An Hòa dời ra khỏi nội thành Huế. Từ đó làng An Hoà gồm 3 giáp: giáp Thượng, giáp Trung, giáp Đồng Nhì và thêm vùng Hạ Giang.
Tự hào các địa danh gắn liền hai chữ An Hoà: trưòng tiểu học An Hoà, chợ An Hoà, cầu An Hoà, sân vận động An Hoà, bưu điện An Hoà, ngã 3 An Hoà, ga An Hoà, cửa An Hoà... Tinh thần của dân làng là chợ và đình làng "chợ và đình" được gắn bó khắng khít với nhau.
Đình làng An Hoà hiện nay nằm cạnh công viên rộng rãi, vào ban đêm có đèn chiếu sáng thật đẹp.
Quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. Văng vẳng tiếng hát: Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người. Ai lớn lên cũng có một quê hương yêu dấu cả.
Sau 200 năm bao nhiêu công sức xây dựng của con dân làng, tình làng biểu hiện như một bức tranh tuyệt vời: cây đa, bến nước, con đò... đầy trang nghiêm tôn kính.
Vào năm 1952 chiến tranh xảy ra đồn Tây đóng ở Cầu An Hoà, đình làng buộc phải di dời ra giáp Đồng Nhì. Cảnh quan làng bị xoá trắng.
- Năm 1956 bẳt đầu trở lại xây đình thờ tự.
- Năm: 1970 xây dựng mới (KTS Nguyễn Đăng Mô) đốc công Trần Đăng Vy, Nguyễn Đăng Tiếu, Nguyễn Đăng Toàn, Nguyễn Lôi
- Năm 1975 đình làng được dùng vào việc khác.
- Năm 1989 tiếp tục phục hồi việc thờ cúng.
Mùa hạ năm Mậu Tý (2008) đình làng được tân trang tu sửa lại.
Theo phong thủy ngôi đình hướng Đông Nam, phía trước có dòng sông Đào. Mái đình lợp ngói liệt, bốn trụ biểu cao, có bình phong long mã gắn sành sứ có câu đối trước sau. Sân đình rộng rãi, thiết kế theo kiến trúc đình làng thời Chúa Nguyễn. Các trụ ngôi đình bằng bê tông. Nóc gắn sành sứ long lân quy phụng giao cù đầy đủ làm cho nóc đình thêm đẹp. Có các câu đối hoành phi trong đình làng luôn gắn với sự tích liên quan đến cội nguồn. Chú Nguyễn Đăng Mô cố vấn kỹ thuật bản vẽ xây dựng ngôi đình, chủ thầu Võ Chất (người thôn An Vân).
Trên đây là tài sản chung quý giá, tất cả con dân làng thế hệ chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản dù đã định cư lâu dài hay mới đến cư ngụ.
Vào nội đình có 5 án thờ gồm 3 án giữa và 2 án bên. Án giữa thờ thần, 2 án tả hữu thờ 12 họ tộc. Bên cạnh có khắc bia ghi nhận công trạng của Ngài Thừa Bị qua sự tích chuộc lại đình làng". Có bức hoành chạm trổ sơn son thết vàng cùng bộ lỗ bộ gồm gươm, giáo, bút... đe thờ do cháu Nguyễn Viết Đàng cúng năm 1972. Cái hộp sắc màu đỏ đựng sắc phong vua chúa triều Nguyễn ban cho.
Tiền đàng đình có diện tích:..........................          
Hậu tẩm đình có diện tích:............................           
Các am thờ ngoài đình làng, các khám đều có câu đối cả.
Bức hoành phi sơn son thết vàng ba chữ "Hội Tế Đường" kiến tạo đời vua Thiệu Trị năm Tân Sửu (1841) đã bị thiêu huỷ năm Mậu Thân (1968).
* Giữa khám thờ:
- Thượng đẳng thần hai bên tả hữu có câu đối:
Công tắc tự chi - Đức kỳ thạnh hỹ
- Hữu ban (khám thờ phía hữu)
Câu đối:                        Thời ma hữu tranh - Hoà dĩ giáng phước
- Tả ban (khám thờ phía tả):
Câu đối:                        Cảm dĩ toại thông - cầu chi tất ứng
4 câu đối viết ở vách tường hai bên khám :
Nhứt hương hòa thạnh lại hồng ân
Tiến hinh như tại phước vô cương
Thể vật bất di thành khả cách
Tam giáp an khương bằng đại đức.
* Tại miếu thờ Ngài khai canh :
Giữa:                           Quang tiền
Trong khám:              Phu Bí tiền công
Viết thừa tiên chí
Ngoài khám:              Cạnh nhương bạn đức biển hương lân
Khai tất tiên công hoằng vũ trụ
* Tại miếu thờ Ngài Thành Hoàng:
Giữa:                           Oai linh
Trung khám:              Thần công chi hiển cổ kim
Chánh khí tố căn tạo hóa
Ngoài khám thờ:       Giang sơn hà xứ bất xuân phong
Vũ trụ chi gian dai phận sự.
* Bốn trụ biểu ngó ra phía ngoài sông:
Hạo khí vãng lai gian vị nhựt vi tinh vi vũ lộ.
An chi sự cảnh thành sa thủy tráng quan tăm vận hội diệt tân miếu vũ.
Hoà giã chân vi quí thân hiền lợi lạc cựu sơn hà tức cựu nhân dân.
Sùng từ chiêm ngưỡng xứ thử dân thử thổ thử sơn hà.
* Phía nhìn vào trong đình :
Nghiễm nhược hữu lâm thân nhứt dĩ linh than tạo hoá.
Phiệt thuỷ tả thanh hương hình thể chiêm quan hồng nhựt cận trường an diệt cận.
Tâm thai bàng chiếu đối nhơn dân khương thái sơn hà linh phong thổ giai linh.
Đỉnh nhiên tư lập nhơn tam bất hủ tại giang sơn.
* Tại bình phong long mã:
- Hai câu viết trước bình phong:
Bình khí tợ bất túc
Phong vân cánh hữu dư
- Hai câu viết sau bình phong:
Bình thành nhơn cọng ngưỡng
Phong lai điểu bất kinh
* Ba bức hoành ở tiền đường:
- Phía trưóc:   Địa linh - Kỉnh tại - Nhơn kiệt
- Phía trong:  Tả chiêu - An Hòa đình - Hữu mục
Đình làng là nơi thờ tự vị Thành Hoàng, thông thường là người có công khai khẩn đất đai lập nên làng. "Thành Hoàng bổn cảnh" như vị thần có huyền năng mang đến hạnh phúc, danh lợi, tiền tài, tình duyên, mùa màng và cả điều hung cát. Đây là vị thần thiêng liêng an trấn tại Đình. Thành Hoàng (thần làng) làng nào cũng có gọi là Phúc thần (ban phúc cho dân chúng) bảo vệ mọi con dân làng, phù hộ cho làng được bình an, thịnh vượng.
Họ Hồ khai khẩn lập nên làng xóm, qui tụ dân, có công rất lớn! Năm 2004 ban điều hành làng cùng 12 họ tộc đã nhường đất cho Họ Hồ khai khẩn làm nên nhà thờ mặc dù đã có Am thờ tại làng.
Bên cạnh làng có Am âm hồn. Lập miếu âm hồn để vong linh những người chết dọc đường không có bà con thân thích. Đây là thể hiện lòng nhân ái của những con người ở làng quê (Hội xe kéo ngày xưa lập ra).
Ba giáp đều có am thò. 3 năm Hội tế một lần, dân làng cung nghinh Ngài về đình, tế xong cung nghinh các Ngài trỏ lại am thờ.
Ngoài các am thờ, miếu thờ, làng có Chùa làng (chùa Trầm Hương) để bà con trong lòng muôn rằm tứ qúi, các ngày vía lớn đến viếng chùa.
Giáp nào cũng có cồn mã. Nghĩa địa làng là nơi chôn cất những người chết đã gắn bó với làng quê, tổ tiên, dòng họ thời sinh tiền.
Trước đây đa số mồ mồ táng tại cồn Kim Lang thuộc giáp Đồng Nhì cùng táng tại núi Cấm, núi Năm Khe cùng một số địa danh khác như cồn Tranh, cồn Bường, Chân Huyệt, Mao Đội, Trầm Nhứt, Hòn Qui, cổn Đá cho đến vùng Hạ Giang cũng có nghĩa địa. Hướng mộ, diện tích mộ thôi thì đủ kiểu, xây to nhỏ không có qui định. Có am Cống Chém thuộc địa phận làng An Hoà.
Bất kỳ ngưòi Việt nào cũng có hình ảnh ngôi làng trong tâm tưởng của mình, "Uống nước nhớ nguồn" ăn sâu trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Vào mùa thu tế năm Đinh Sửu (1997) anh Nguyễt Viết Kê chấp bút "Vè làng tôi":
Làng ta ba giáp một miền
Giáp trung, giáp thượng đất liền núi sông
Giáp Đồng Nhì gắn ruộng đồng
Xuôi về miền dưới là vùng Hạ Giang
Quanh năm hoà thuận kết đoàn
Thương yêu đùm bọc sống trong tuyệt vời...
Làng ta 3 giáp ai ơi!
Cùng nhau đoàn kết thuận hoà làm ăn
Làng ta nếp sống văn minh
Thương nhau san sẽ, ân tình thuỷ chung
Chiếu lệ hàng năm cứ đến 16 và 17 tháng 7 làng tổ chức Thu tế - kỳ phước. Lại cách 3 năm Hội tế một lần. Hội tế lần thứ nhật 1987 -1990 với mục đích tưởng nhớ đến công đức Tiền khai canh - hậu khai khẩn cùng các vị tiền bối đã có công xây dựng làng ngót 5 thế kỷ qua. Lo lễ tế đền ơn đáp nghĩa đối với các vị tiền bối đó là nền hiếu nghĩa, đạo lý của con dân đang sinh sống trên địa bàn làng, đồng thời cầu nguyện toàn dân làng an cư lạc nghiệp làm cho lễ hội được đậm đà văn hoá, dân tộc mang nét tín ngưỡng thần linh đã có lịch sử hình thành từ xa xưa.
Bước vào thế kỷ 21, thời kỳ hội nhập của đất nước cuộc sống có thay đổi. Làng không còn tình trạng "Cộng đồng khép kín" mà đã hoà nhập cuộc sống rộng lớn, cách nhìn nhận của dân làng cũng đã khác. Phải thấy hồn quê đã phai nhạt mất dần đi. Cái tình làng nghĩa xóm, lá lành đùm lá rách, thương ngưòi như thể thương thân... ngày đang mai một! Ngay cả luỹ tre bao bọc làng, hàng cau, hàng chè tàu, cây đa giếng nước đầu làng dần dà không còn nữa. Con đường bêtông của các xóm là nét văn hoá làng. Văn hoá làng dần dà chuyển sang khái niệm mới phố làng.
* Nhân tài của làng An Hoà:
Nhân dân làng An Hoà thừa hưởng tính hiếu học của tổ tiên, tính chiến đấu dũng cảm của cha ông.
Làng An Hòa có 12 Họ. Phải tự hào truyền thống vẻ vang của Họ Nguyễn Đăng. Có nhiều khoa bảng cùng 21 vị công thần có công với làng, sản sinh ra 3 Ngài làm lại bộ Thượng Thư.
Làng có truyền thống văn học. Có nhiều ngưòi hiền tài như danh sĩ Nguyễn Đăng Đệ, Lễ Bộ kiêm Lại Bộ Nguyễn Đăng Thịnh. Nhân vật nổi tiếng nhất khai quốc công thần Ngài Nguyễn Cư Trinh. Danh nhân Thừa Thiên Huế dày công khai phá miếng đất phì nhiêu miền Tây Nam Bộ. Con cháu trong làng từng được vinh danh văn thần võ tướng đã một thời vang bóng vào thế kỷ 17,18 trước đây .
3 thập niên gần đây. Có gia đình đạt khoa cử 2 tiến sĩ, 4 kỹ sư, 4 đại học...
Đầu thế kỷ 21 làng An Hoà con số Thạc sĩ, giáo sư, kỹ sư,... còn nhiều người biên soạn chưa nắm hết được.
An Hoà vùng đất địa linh, nhân kiệt được hình thành 5 thế kỷ (từ ngày mở nước). Xuất phát câu ngạn ngữ đương thời vào năm 1700 "Học Đồng Dì, thi An Hoà" thể hiện con dân làng chiếm nhiều khoa mục nhất.
Về sau này có cụ Nguyễn Đăng Thi đời thứ 13 hậu duệ họ Nguyễn Đăng mở trường tư thục sơ cấp An Cư. Học trò theo học rất đông, nhiều người đỗ đạt làm nên chức phận lớn phục vụ cho đất nước, cho Tổ quốc Việt Nam.
Làng quê thật đẹp, nét đẹp của một làng văn hoá cổ xưa với những con người mộc mạc và giàu trí tuệ. Dù có đói cơm cùng không chịu đói chữ, con cháu quyết vinh danh khoa cử.
* Hệ thống tổ chức làng An Hòa:
Nhân dân ta có "truyền thống tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai canh khai khẩn, khai hoang nên đã xây dựng ngôi đình làng qua các thế kỷ để thờ các vị thần linh, các vị khai canh, khai khẩn cùng các vị có công thần với làng nước. Chiều dài 5 thế kỷ sản sinh 12 Họ. Theo bài văn tế làng cuối Triều Nguyễn Ngài thủy tổ khai khẩn là Họ Hồ tiếp đó Ngài khai canh thuộc Họ Trịnh (vào năm 1705 đổi thành Họ Nguyễn Đăng).
Trong văn tế làng có 23 Ngài có công với nước, với làng được đọc trong văn tế. Họ Nguyễn Đăng chiếm 21 ngài trong đó Ngài Nguyễn Cư Trinh được phong Trung đẳng thần.
Trưỏng làng qua các thời kỳ: Ô Hiệu, Ô Lý Cửu, Ô Em, Ô Lý Lam, Ô Lí Thí, Ô Lý Cát, Ô Kiểm Vị, Ô Giai, Ô Lôi, Ô Gót (1989)
Quá trình công nghiệp hoá đất nước tất yếu sẽ dẫn đến phố làng. Tuy nhiên những con người làng quê vẫn chân thật, rất có tình, yêu mến và quan tâm đến nhau, chia sẽ với nhau trong tình làng nghĩa xóm. Là con dân của làng dù sống bất cứ đâu vẫn nhớ về làng cũ, luôn hoài niệm trong ký ức hai chữ An Hòa.
Kính mong quí bà con trong làng có tư liệu hoặc ý kiến bổ sung làm phong phú thêm bài viết An Hoà - Mảnh đất quê hương chưa được đề cập đến...
Mọi ý kiến xin liên hệ qua ông Nguyễn Đăng Anh: ĐT 054.580237 hoặc DĐ: 0986.408400
Xin chân thành cảm ơn.


NGHI LỄ TẾ THẦN

Túc yết nghi: (Tiên yết)      .
1.     Củ soát tế vật (kiểm lại đồ cúng)
2.     Khải sắc (mở hòm sắc ra, trải sắc chỉ ra)
3.     Ế mao huyết (rút chén lông và huyết ếm bàn thần, đem ra để ngoài bàn lễ sinh)
4.     Chấp sự giả các tư kỳ sự
5.     Khởi thái bình (mõ)
6.     Khởi chung cổ (chuông trống)
7.     Thái bình, chung cổ tề minh (3 thứ luân phiên gióng)
8.     Nhạc sinh tựu vị (nhạc vào trước hương án)
9.     Nhạc sinh khởi nhạc (nhạc cứ tiếp giá: 3 hồi, 3 chậm)
10.  Niệm hương tựu vị (ông niệm hương vào trước hương án)
11.  Phần hương (người hầu đốt hương)
12.  Qùi
13.  Niêm hương (khấn niệm lớn tiếng)
14.  Thượng hương (người hầu cắm hương làn bàn hương án)
15.  Phủ phục (cuối xuống)
16.  Hưng bình thân (đứng dậy)
17.  Nghinh thần (rước thần)
18.  Cúc cung bái (xướng 4 lần lạy 4 lạy. Nhạc cử Bạc đàng)
19.  Hưng bái - Hưng bình thân
20.  Bổn thân viên quan hương chức đồng lai bái (thảy đều 4 lạy)
21.  Bồi tế tựu vị (ông bồi tế vào hương án)
22.  Đông Hiến, Tây Hiến, các tựu vị (hầu lễ vào hai bên)
23. Chánh tế tựu vị (ông Chánh tế vào)
24.  Nghệ quán tẩy (lại đàn rửa mặt)
25.  Quán tẩy (rửa mặt)
26.  Phục vị (trở lại bàn hương án)
27. Khởi tuần hương
28.  Nghệ hương án tiền (nhạc xây lá, lễ sinh đi vào dâng hương trầm)
29.  Quì trước hương án ngoại
30.  Phần hương (Chánh tế đốt trầm do lễ sinh quì trao)
31.  Thượng hương (lễ sinh đi lên dâng trầm - Sau khi lễ sinh trỏ xuống)
32.  Phủ phục (cúi xuống)
33.  Hưng bình thần (đứng dậy)
34.  Cúc cung bái, Hưng bái (xướng 4 lần, lạy 4 lạy)
35.  Hưng bình thân
36.  Phục vị (Chánh tế thụt lại một chút)
37.  Khởi tuần rượu (lễ sinh đất đèn)
38.  Hành hiến lễ
39.  Nghệ thân vị triền (nhạc xây lá, lễ sinh đi vào)
40.  Quì (Trước hương án ngoại)
41.  Tấn trước (lễ sinh quì trao cho cánh lễ rót rượu)
42.  Hiến trước (lễ sinh đứng dậy, đi dâng rượu)
43.  Chuyển chúc (3 lễ sinh đến lấy dài bản văn tế)
44.  Giai quỳ (đồng quì)
45.  Đọc chúc (một lễ sinh cầm đèn, một cầm bản văn, một đọc văn)
46.  Điểm trà
47.  Dâng trà thẳng lên bàn thần, nhạc cử bài Ngũ điếm)
48.  Phần Chúc (đốt văn)
49.  Nạp sắc (để sắc chỉ vào hòm)
50.  Lễ thành (tất)
51.  Chảnh tế, bồi té, xuất vị (để lễ sinh lạy 4 lạy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét