9/18/2018

Tiểu sử ngài Thuỷ tổ Trịnh Cam (1500-1550)

Ngài Thủy tổ là Trịnh Cam sinh vào năm 1500 và mất khoảng 1550.
Nguyên xưa tiên tổ là người làng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc, Phủ Đức Quang (nay là Phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).
Tương truyền đời trước dòng dõi thi lễ, là một Họ lớn ở Hoan Châu, Trịnh Cam đỗ Tiến sĩ làm quan đến chức Thượng thư Bộ binhkiêm Chuyển vận sứ đời Tiền Lê. Gặp lúc họ Mạc cướp ngôi, Cam không thể ngồi yên nhìn cảnh suy sụp của nhà Lê bèn bỏ quan mà về. Họ Mạc biết là người hiền tài, cố mời ở lại mà không được.

Năm Đinh Hợi (1527) Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê nhưng còn sợ lòng dân không phục nên họ Mạc vẫn theo phép tắc nhà Lê, có chế độ ưu đãi với cựu thàn nhà Lê. Trịnh Cam rất được họ Mạc trọng đãi, nhưng Cam kiên quyết từ chối rồi cùng em Trịnh Quýt lúc ấy đang giữ chức giáo thụ, bỏ quê lánh vào ngụ ở làng Tiên Nộn thuộc huyện Phú Vang, xứ Thuận Hóa. Hai anh em lo chiêu tập những người trung nghĩa ở Châu Ô, Châu Rí, chiêu mộ trai tráng ở trong vùng giúp nhà Lê, nhưng việc đang thi hành thì Trịnh Cam chết, rồi Trịnh Quýt cũng mất. Trịnh Cam mất, các hào kiệt ở Châu Ô vô cùng thương tiếc. Thụy Trung Hiếu tìm đất mà chôn, sau vì là chỗ đồn lính nên dời đến chỗ khác không biết đâu mà tìm. Con cháu về sau rất lấy làm thương tiếc, cứ đến năm Ất, nghĩa là mười năm một lần, thiết đàn làm chay. 
Năm Ất Dậu Minh Mạng thứ 6 (1825) có tế một lễ Tam sanh.
Mùa Thu năm Tân Sửu, Thiệu Trị nguyên niên (1841) con cháu trong họ nhớ ơn đức của vị Thủy tổ đặt thần chủ, làm từ đường ở núi Trần Hương để thờ. Mùa đông năm Giáp Thìn (1844) từ đường dời về xứ Cồn Kê, làng An Hòa. Năm Kỷ Dậu (1849) lại trùng tu từng đường xây gạch lợp ngói để được lâu dài.
Trịnh Cam thọ được khoảng 50 tuổi, sinh ra được 3 người con: Ông Cả - Ông Bồ - Ông Trịnh Vĩnh Phu.
Vào Nam trải qua gần 5 thế kỷ sản sinh được 21 đời, con cháu sinh sống, làm ăn rải khắp 3 miền đất nước từ Bắc chí Nam kể cả nước ngoài. Họ tộc có 21 ngài công thần. Làm rạng danh dòng tộc có ngài Nguyễn Cư Trinh, một danh tướng và là một danh sĩ thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và Định Vương Nguyễn Phúc Thuần giữ chức Lại bộ Thượng thư “Khai quốc công thần” cùng ngài Hương Danh hầu Nguyễn Đăng Thịnh Lễ bộ kiêm Lại bộ được quốc sử ghi nhận văn võ song toàn.
Đến thời đại Hồ Chí Minh , con cháu học hành luôn luôn giỏi, xuất sắc, quyết chí làm rạng rỡ cho dòng tộc. Tiếp nối truyền thống vẻ vang “Học Đồng Di – thi An Hòa” nhiều cháu đỗ đạt Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, giữ nhiều chức vụ lớn ở cả hai miền đất nước.
Mùa thu Ất Mùi (2015)
Họ Nguyễn Đăng – An Hòa
(Hậu Duệ Nguyễn Đăng Anh - Đời thứ 14 - Phái Đạt Lý - Trích phổ tộc họ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét